Dành 38.000 tỷ hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp: Quyết định chưa từng có tiền lệ

28/09/2021 07:13 Sáng

“Dành tới 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động – đây là những quyết định chưa từng có tiền lệ. Nhưng muốn thực hiện được, cũng phải có cơ sở bền vững, có kết dư mới “quyết” được các chính sách hỗ trợ này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ảnh hưởng dịch, nợ – chậm đóng BHXH có thể tiếp tục tăng

Chiều 27/9, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ hai theo hình thức trực tuyến, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan.

Đưa ra ý kiến thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản kịp thời vừa đáp ứng công tác quản lý điều hành, vừa để điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, cũng như hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của đại dịch Covid-19…

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội cho thấy, cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH.

Thảo luận tại Phiên họp các thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Do đó cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.

Empty

Quỹ có kết dư, mới “quyết” được các chính sách hỗ trợ

Phát biểu làm rõ thêm các vấn đề đại biểu còn băn khoăn, Bộ trưởng Đào ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH với tinh thần làm ngày làm đêm, Bộ đã phối hợp với các cơ quan bộ, ngành tham mưu ban hành 2 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/NQ-UBTVQH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Nói về BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Việt Nam thực hiện BHXH từ năm 1995, nhưng so với thế giới vẫn “còn non trẻ”, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TƯ về Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội thì điều đó rất rõ.

“Hiện nay trên thế giới có 9 loại hình bảo hiểm, còn chúng ta có 8 – thiếu Bảo hiểm gia đình”, ông Dung nói và thông tin thêm: “Đáng mừng là 8 loại hình bảo hiểm này trong những năm qua phát triển tương đối tốt”.

Tuy thế, ông chân thành chia sẻ, “lo” nhất là 3 nhóm bảo hiểm: Hưu trí tử tuất, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, “nhưng đến nay phát triển tương đối đồng bộ, và có hiệu quả. Tất cả các loại hình này cho đến nay, nhìn tổng thể, không những giải quyết được các chính sách theo quy định nhất định, mà còn có “kết dư tương đối tốt”.

Nêu lại câu chuyện vài năm trước đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, dư luận lo lắng vấn đề an toàn quỹ, nhiều người nói “vỡ Quỹ”, rồi “chuyện A, chuyện B” liên quan đến Quỹ…, thông tin rất nhiều chiều, “nhưng đến giờ khẳng định các Quỹ chúng ta bền vững”.

“Thậm chí, gần đây còn dành một lượng tiền rất lớn kết dư (38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp – P.V) để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhưng trên cơ sở cam kết đảm bảo tính bền vững tối thiểu gấp 2 lần so với tổng chi của năm liền kề, để đảm bảo theo quy định pháp luật”, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nói.

Trước hết, đó là Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ). Bốn tháng qua, chịu tác động của đại dịch, đời sống người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề mọi mặt, do Quỹ Bảo hiểm hoạt động tương đối hiệu quả, tích lũy, do đó chúng ta mới quyết định được 2 chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sự dụng lao động theo Nghị quyết 68.

“Đặc biệt, mới đây nhất là Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và Nghị quyết 116 của Chính phủ vừa ban hành ngày 24/9, dành tới 38.000 tỷ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động – đây là những quyết định chưa từng có tiền lệ. Nhưng muốn thực hiện được, cũng phải có cơ sở bền vững, có kết dư mới “quyết” được các chính sách hỗ trợ này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ngoài ra, tư lệnh Bộ LĐ-TB&XH thông tin thêm, hiện đang xây dựng mô hình BHXH đa tầng; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt sửa đổi Luật BHXH, và đã hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trong tuần này sẽ trình Chính phủ, sau đó trình Thường vụ Quốc hội.

Empty

 

Phát triển BHXH giữ đà tăng

Theo Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2020, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp tiếp tục giữ đà tăng, đặc biệt là về BHXH tự nguyện.

Cụ thể, cả nước có 16.176.180 người tham gia BHXH, đạt 32,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 414.035 người so với năm 2019.

Trong đó, về BHXH tự nguyện có 1.125.236 người tham gia, tăng 101,6% so với năm 2019 và tăng 184,2 lần so với năm 2008; tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện năm 2020 đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong khi chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đến hết năm 2021 đạt 1%.

Song song đó, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế – xã hội năm 2020, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn.

Nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội: Trọng tâm thanh tra năm 2022

Liên quan đến nợ đọng bảo hiểm xã hội còn nhiều, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện có trên 200 nghìn doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng.v.v… Ông cũng thẳng thắn cho rằng, vừa qua tiến hành thanh tra, nhưng hiệu quả thanh tra và xử lý thanh tra chưa tốt.

Vì vậy, Bộ trưởng thông tin, ông vừa chính thức ký quyết định giao thanh tra của toàn ngành trong năm 2022, sẽ thanh tra tập trung ở 14 tỉnh thành, với 210 doanh nghiệp và các đơn vị liên quan còn nợ đọng bảo hiểm để xử lý. “Coi đây là trọng tâm của công tác thanh tra năm 2022, để xử lý nghiêm”, ông Dung khẳng định.

Thành Công

Cùng chuyên mục

Thụy Sỹ cam kết hợp tác lâu dài trong phát triển thương mại với Việt Nam

24/10/2021 08:04 Sáng

Sáng 22/10, Bộ Công Thương Việt Nam và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ đã ký cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại giữa Bộ Công Thương và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) Dự án “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ”.

Hơn 464.300 ca mắc COVID-19 đã được chữa khỏi

21/09/2021 07:53 Sáng

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 695.744 ca mắc COVID-19, hơn 464.300 ca đã được chữa khỏi.Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 34.553.590 liều.

Chính quyền địa phương Trung Quốc đang nợ tới 52% GDP

01/10/2021 07:01 Sáng

Bloomberg đưa tin theo báo cáo của Goldman Sachs, tổng số nợ của LGFV (các công ty tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc) tăng từ 16.000 tỷ NDT năm 2013 lên khoảng 53.000 tỷ NDT (8.200 tỷ USD) trong năm 2020. Con số đó bằng khoảng 52% GDP và lớn hơn dư nợ chính thức của chính phủ.

Du khách nếu vi phạm bị phạt nặng tại Châu Âu

02/08/2021 04:58 Chiều

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia, châu lục lao đao, trong đó có châu Âu. Trong khi nhiều nước ở đây dần đón du khách cho mùa du lịch hè, thì các quy định hạn chế Covid-19 từ đầu năm vẫn được thắt chặt và những người vi phạm sẽ phải đối diện với nhiều hình phạt đắt đỏ.

Nâng tầm kỹ năng lao động, “chìa khóa vàng” cho hội nhập

22/09/2021 11:07 Sáng

Sự phát triển của nền kinh tế đang đặt ra yêu cầu đối với nguồn lao động trong nước nhưng tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao vẫn đang là vấn đề cần giải quyết. Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối tác