Đau đầu vì ngân hàng dừng nhận chứng từ sang Nga.
Doanh nghiệp thủy sản được khuyến cáo không chuẩn bị quá nhiều hàng hóa lưu kho theo quy cách của thị trường Nga.
Doanh nghiệp Việt bị vạ lây
Việc Mỹ và các đồng minh phương Tây nhất trí loại Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Lâu nay, hoạt động thanh toán giữa doanh nghiệp Việt và đối tác được thực hiện chủ yếu qua mạng lưới này.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho hay, mỗi năm, Phúc Sinh Group xuất khẩu sang thị trường Nga khoảng 10 triệu USD cả trực tiếp và gián tiếp qua nước thứ ba. Thị trường Nga rộng lớn, lại dễ tính, rất nhiều đối tác của Phúc Sinh Group tại Hà Lan, Đức… mua cà phê để bán lại sang Nga. “Tại Phúc Thông Group, việc gửi chứng từ sang Nga đang kẹt hết lại do các ngân hàng Việt Nam không dám nhận”, ông Thông nói.
Theo ông Thông, với các đơn hàng đang trên đường đi, chứng từ chưa được gửi, Công ty sẽ chuyển hướng bán cho các đối tác khác. Với đơn hàng đã giao thành công nhưng bị kẹt khâu thanh toán do Nga bị loại khỏi mạng lưới SWIFT, Phúc Sinh Group và đối tác đang tìm giải pháp giải quyết. Dù vậy, số lượng đơn hàng rơi vào tình huống này không nhiều.
Điều mà ông Thông lo lắng nhất là cuộc chiến không chỉ khiến doanh nghiệp có nguy cơ mất thị trường Nga rộng lớn, mà còn “phủ bóng đen” lên cả thị trường châu Âu, do tâm lý của người dân châu Âu đang rất u ám vì chiến sự.
Ngoài Phúc Sinh Group, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Nga cũng thấp thỏm lo lắng. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lớn cho hay, không chỉ các chứng từ xuất khẩu sang Nga, mà một số đơn hàng xuất sang châu Ấu có liên quan tới Nga (doanh nghiệp châu Âu mua thủy sản để bán sang Nga) cũng bị ngân hàng từ chối bộ chứng từ thanh toán.
“Nhiều ngân hàng Việt sợ bị rơi vào ‘danh sách đen’ của các nước do vi phạm chính sách cấm vận, nên trả lại tất cả chứng từ, dù đơn hàng đó xuất sang EU. Chúng tôi và các đối tác đang rất hoang mang không biết bao giờ cuộc chiến vô nghĩa này mới kết thúc, cũng chưa tìm ra cách giải quyết’, vị giám đốc này cho biết.
Được biết, năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga tăng hơn 21%. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến nghị, các doanh nghiệp chuyển hướng đa dạng hóa thị trường, không chuẩn bị quá nhiều hàng hóa lưu kho theo quy cách của thị trường Nga – vốn có tiêu chuẩn dễ tính hơn các thị trường EU, Mỹ – để hạn chế rủi ro tồn kho quá lâu.
Tác động không chỉ thanh toán
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt 7,14 tỷ USD. Do kim ngạch thương mại với Nga chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, nên chiến sự Nga – Ukraine không ảnh hưởng quá lớn đến tổng kim ngạch thương mại cả nước.
Về các vướng mắc trong thanh toán khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, các doanh nghiệp cho hay, đang cùng đối tác nghe ngóng động thái từ Chính phủ Nga cũng như các nước liên quan. Các doanh nghiệp giao dịch qua Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) không chịu ảnh hưởng nhiều do hệ thống vẫn đang giao dịch bình thường.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, OCB không có các giao dịch trực tiếp với các ngân hàng Nga. Với các doanh nghiệp đang giao dịch với đối tác Nga, việc thanh toán có thể gặp khó khăn hơn, nhưng không phải là không có cách.
“Nếu Nga bị loại ra khỏi SWIFT thì có thể quay lại phương thức thanh toán telex – xác thực thông qua hệ thống bảo mật hai chiều giữa hai ngân hàng, nhưng sẽ bất tiện hơn, phải thiết lập lại hệ thống trao đổi mã hóa hai chiều. Ngoài ra, cũng còn một số giao thức khác như thông qua blockchain. Với mức độ phát triển công nghệ của Nga, các ngân hàng sẽ chủ động tìm ra giải pháp”, ông Tùng nhận định.
Theo các chuyên gia, không loại trừ Nga liên kết với các quốc gia không tham gia mạng lưới SWIFT khác tìm kiếm giải pháp thay thế. Rất có thể Nga sẽ bắt tay với nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vốn đang chiếm 40% dân số về việc lập hệ thống thanh toán riêng. Cũng có thể, Nga sẽ bắt tay với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc hoặc sử dụng tiền số. Đây đều không phải là các giải pháp thuận tiện cho doanh nghiệp nước ta.
Số lượng đơn hàng đang kẹt thanh toán không nhiều, nên các doanh nghiệp không mấy lo lắng. Điều mà nhiều doanh nghiệp lo lắng hơn cả là các ảnh hưởng dây chuyền từ cuộc chiến. Chiến sự xảy ra không chỉ khiến thị trường Nga bị đình lại, mà các đơn hàng xuất khẩu sang EU cũng bị ảnh hưởng (vì nhiều bạn hàng EU nhập khẩu nông sản Việt Nam để bán sang Nga). Chưa kể, chiến sự Nga – Ukraine cũng đang khiến chi phí đầu vào và cước vận tải biển tăng đột biến.
“Cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ khiến đẩy giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng mạnh, nhất là giá dầu. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cũng sẽ cạnh tranh hơn. Việc cấm vận với Nga làm hàng hóa xuất khẩu các nước không vào được Nga sẽ chuyển hướng sang các nước khác, khiến các thị trường này cạnh tranh gay gắt hơn”, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế nhận định.
Về lâu dài, theo các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ khiến lạm phát toàn cầu tăng chóng mặt, tăng trưởng kinh tế chậm lại, từ đó tạo sức ép với lạm phát và tăng trưởng của Việt Nam.
Nguy cơ nhập khẩu lạm phát là rất lớn
– TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế Việc phương Tây và Mỹ áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế, loại một số ngân hàng Nga tham gia hệ thống SWIFT sẽ gây ảnh hưởng đến thanh toán quốc tế, đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao. Việt Nam có độ mở kinh tế cao, nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát là rất lớn. Nếu lạm phát tăng, không loại trừ người dân sẽ có tâm lý cất trữ tài sản, ngại đầu tư, khiến chính sách mở rộng tài khoá, tiền tệ có thể không phát huy được hiệu quả. Tất nhiên, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới bất ổn, Việt Nam có thể có cơ hội chứng minh là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Song việc có thể thu hút được luồng vốn đầu tư nước ngoài hay không còn phụ thuộc chính sách của Chính phủ. |