Thí sinh cùng phụ huynh tìm hiểu thông tin đăng ký xét tuyển vào ĐH tại TP.HCM năm nay
Tuần qua, sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, các trường ĐH công bố điểm sàn, thí sinh cả nước đã chính thức bắt đầu vào 12 ngày đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, thực hiện cho tới 30-7.
Điểm thi các môn khoa học xã hội tăng áp đảo
Phổ điểm thi do Bộ GD-ĐT công bố năm nay cho thấy sự áp đảo điểm số từ các môn xã hội đối với môn tự nhiên. “Mưa điểm 10” cũng rơi vào những môn khoa học xã hội – những môn mà trước đây, để đạt được điểm tuyệt đối là rất khó.
Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đánh giá, phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định, tương đồng với phổ điểm năm 2023 và các năm trước. Điểm trung bình và trung vị của các môn thi trên toàn quốc được giữ ổn định, tương đồng so với năm 2023.
Qua so sánh có thể thấy, điểm trung bình các môn toán, văn, vật lý, lịch sử, địa lý tăng nhẹ so với năm 2023. Đặc biệt, điểm trung bình môn ngoại ngữ có tăng, dù mức tăng chưa đáng kể. Một số ít môn có điểm trung bình thấp hơn năm ngoái như giáo dục công dân, hóa, sinh học. Cũng theo Cục Quản lý chất lượng, điểm các môn đều có sự phân hóa phù hợp, bảo đảm cho công tác tuyển sinh ổn định như năm trước. Các tổ hợp truyền thống trong công tác xét tuyển cũng tương đối ổn định so với các năm.
Môn địa lý năm nay cả nước có đông hơn 22.500 thí sinh nhưng số điểm 10 tăng tới hơn 3.000. Cụ thể, cả nước có tới 3.175 điểm 10 trong khi năm ngoái chỉ có 35 em. Số học sinh có điểm dưới trung bình cũng giảm rõ rệt, từ hơn 90.000 xuống còn hơn 30.000 em (còn chiếm hơn 4%). Số học sinh có điểm từ 0 đến 1 cũng giảm và chiếm không đáng kể. Điểm trung bình và số điểm học sinh đạt được nhiều nhất cũng tăng thêm 1 điểm. Giáo dục công dân năm ngoái có lượng điểm 10 đáng kể và năm nay tiếp tục gia tăng với 3.661 điểm 10. Điểm trung bình giảm không đáng kể, còn 8,16. Số học sinh dưới điểm trung bình giảm với 4.528 em.
Môn lịch sử năm nay tăng đến 1.319 điểm 10. Cụ thể, cả nước có 2.108 điểm 10, năm ngoái là 789 em. Điều này cũng một phần bởi lượng thí sinh dự thi năm nay tăng gần 23.000 em. Tuy lượng thí sinh tăng nhưng số đạt điểm dưới trung bình lại giảm, chỉ còn khoảng 13% so với mức gần 25% của năm ngoái. Hóa học là môn duy nhất trong khối khoa học tự nhiên có sự gia tăng đột biến điểm 10, cụ thể tăng tới hơn 1.000 điểm 10. Năm ngoái cả nước chỉ có 137 điểm 10 thì năm nay con số này lên tới 1.278. Số học sinh dưới điểm trung bình cũng tăng với gần 55.000 em, chiếm hơn 15%.
Trong khi đó ở môn ngữ văn, cả nước có trên 1 triệu thí sinh dự thi nhưng chỉ có 2 em đạt điểm tuyệt đối. Điểm trung bình văn năm nay tăng, 7,23 điểm; mức mà thí sinh đạt được nhiều nhất lên tới 8 điểm (tăng hơn 1 điểm so với năm ngoái). Số học sinh đạt điểm dưới trung bình cũng giảm chỉ còn 5% so với 7% của năm ngoái.
Môn toán năm nay điểm bình quân tăng nhẹ (6,45 điểm), tuy nhiên không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối. Số học sinh có điểm dưới trung bình năm nay giảm tới gần 5%. Điều đáng chú ý ở môn vật lý là số điểm 10 giảm, chỉ còn 55 em đạt trong khi tổng số thí sinh tăng hơn năm ngoái. Số học sinh có điểm thấp hơn hoặc bằng 1 tăng hơn 2 lần. Số học sinh có điểm dưới trung bình cũng tăng với gần 56.500 em (chiếm hơn 16%). Tuy nhiên, điểm sáng là số điểm học sinh đạt được nhiều nhất tăng lên 8 và điểm trung bình cũng “nhỉnh” hơn với 6,67 điểm.
Thí sinh tìm hiểu thông tin đăng ký xét tuyển vào ĐH tại TP.HCM năm nay
Số lượng thí sinh tăng lên nhưng số điểm 10 môn sinh năm nay giảm rõ rệt. Theo đó, cả nước chỉ có 34 điểm 10 trong khi năm ngoái có tới 135 em. Mức điểm trung bình của môn sinh cũng giảm nhẹ, còn 6,28. Số học sinh đạt điểm dưới trung bình đông hơn năm ngoái, chiếm hơn 13%. Là một trong những môn có lượng dự thi đông với hơn 906.500 em nhưng số điểm 10 môn tiếng Anh chỉ có 565 em đạt. Điều đáng lo ngại là điểm trung bình môn này chỉ ở mức 5,51 và có tới gần 43% thí sinh cả nước dưới điểm trung bình.
Điểm chuẩn có thể sẽ tăng
Với biến động điểm chuẩn năm nay, đại diện nhiều trường ĐH dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ đối với các tổ hợp môn thuộc khối khoa học xã hội. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá, thông qua phổ điểm năm nay có thể nhận định, từ đề thi cho đến kết quả đã ổn định so với những năm gần đây. Trên một mặt bằng chung kiến thức của toàn quốc, phổ điểm năm nay hoàn toàn có thể tin cậy để các trường ĐH xét tuyển.
“Thông qua kết quả các môn thi, chúng ta thấy được ma trận đề thi cũng như độ khó dễ cơ bản đã giữ ở mức ổn định và tất cả các môn đều có chuyển biến rất tích cực. Điều đó thể hiện ở việc điểm dưới 5 của tất cả các môn đều có sự cải thiện đáng kể; kể cả các môn như toán, lịch sử, vật lý là những môn thường có số điểm dưới trung bình tương đối lớn” – GS. Đức nói.
Với phổ điểm các môn như đã nói trên, ông Đức dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ tăng ở những tổ hợp như A00 (toán – lý – hóa), A01 (toán – lý – tiếng Anh), C00 (văn – sử – địa), D01 (toán – văn – tiếng Anh). Ông cho rằng, qua phổ điểm thi cho thấy khối khoa học xã hội, chẳng hạn môn ngữ văn, địa lý tỷ lệ điểm giỏi cao, điểm dưới trung bình thấp; trong khi đó khối khoa học tự nhiên có toán, vật lý dù tỷ lệ điểm giỏi đã cải thiện nhưng tỷ lệ điểm dưới trung bình vẫn cao hơn môn khác. Do đó, công tác định hướng thi, xét tuyển vào ĐH ở tổ hợp khoa học tự nhiên cần được lưu ý, chú trọng hơn nữa.
TS. Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cũng cùng chung dự báo rằng các ngành xét tổ hợp truyền thống năm nay điểm trúng tuyển sẽ tăng nhẹ, trên dưới 0,5 điểm. Những ngành xét tuyển khối xã hội (có văn, sử, địa, giáo dục công dân) sẽ tăng. Riêng những ngành thuộc khối sức khỏe theo ông Nhân điểm chuẩn có thể giảm nhẹ, do xét chủ yếu tổ hợp có hai môn hóa, sinh trong khi điểm trung bình hai môn này năm nay giảm.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với trên 50% chỉ tiêu dành xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Nhân dự đoán điểm chuẩn khối ngành kinh doanh, quản lý dịch vụ sẽ tăng nhẹ so với 2023. Những ngành có điểm chuẩn cao sẽ dao động từ 25-26 điểm. Riêng các ngành công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, dược học điểm chuẩn có thể giảm nhẹ từ 0,25-0,5 điểm.
ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đưa ra những phân tích chi tiết: “Dựa trên phổ điểm từng môn, có thể thấy phổ điểm của một số tổ hợp truyền thống như A00 (toán – lý – hóa), A01 (toán – lý – tiếng Anh), C00 (văn – sử – địa), C01 (toán – văn – lý), D01 (toán – văn – tiếng Anh) tăng giảm không đáng kể, khả năng chỉ dao động ở mức 0,5-1 điểm. Theo đó, điểm chuẩn các trường khả năng sẽ ổn định, không biến động quá lớn so với năm ngoái hoặc nếu có dao động cũng chỉ sẽ trong một biên độ rất nhỏ, tùy thuộc vào phân bổ chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển của các trường”.
Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay, theo ThS. Dung, điểm chuẩn có thể không có nhiều thay đổi so với 5 năm trước, dao động trong khoảng 16-21 điểm. Tuy nhiên trong đó, những ngành gắn liền với xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh có mức độ cạnh tranh và tỷ lệ chọi cao như truyền thông đa phương tiện, marketing, thiết kế đồ họa, quan hệ công chúng, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, logistics & quản lý chuỗi cung ứng, ngôn ngữ Anh… điểm chuẩn có thể biến động nhẹ.
Đổ xô vào khối khoa học xã hội, có khủng hoảng thừa nhân lực?
Mặt bằng điểm các môn thi thuộc khối khoa học xã hội năm nay tăng, cùng với việc năm nay lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội chiếm tới 63% (tăng 7,7%) so với năm trước, có ý kiến đặt ra rằng, sự dồi dào nguồn tuyển ở khối ngành khoa học xã hội cũng đi đôi với sự eo hẹp nguồn tuyển khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ. Và điều này có thể dẫn đến việc mất cân đối nguồn nhân lực giữa các khối ngành trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ở góc độ dự báo nhân lực, ông Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) gợi mở một góc nhìn khác. Ông cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo đã đem đến thay đổi đáng kể ở thị trường lao động. Xu hướng ngành nghề sắp tới sẽ tích hợp nhiều lĩnh vực và gắn liền với trí tuệ nhân tạo. Khối ngành khoa học xã hội khi đó cũng sẽ bao hàm nhiều lĩnh vực như kinh tế chẳng hạn. Người lao động thì được yêu cầu cao hơn về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, thái độ, phẩm chất. Nói cách khác, bản thân nhân sự phải đa nhiệm hơn, tích hợp được nhiều tiêu chuẩn hơn.
“Để tạo ra những người lao động như vậy, chuẩn đầu vào cũng sẽ hội đủ nhiều lĩnh vực kiến thức hơn, bên cạnh đáp ứng điểm những tổ hợp bắt buộc. Và khi đó, ranh giới đầu vào giữa các khối ngành có thể sẽ mờ dần. Việc “quy định chết” tổ hợp môn cụ thể cho những khối ngành như hiện nay sẽ là điều cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ” – ông Tuấn nói.
Ông Tuấn đơn cử, người tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế, không nhất thiết chỉ quy định cứng đầu vào tổ hợp văn – sử – địa hay những tổ hợp gần mà còn cần rất nhiều kiến thức liên quan đến những tổ hợp môn khác để đảm bảo theo được quá trình học ĐH và đáp ứng yêu cầu công việc sau này. Hay người làm báo tùy theo lĩnh vực được phân công phải am tường nhiều kiến thức kinh tế, xã hội, sức khỏe, giáo dục, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, ứng dụng công nghệ… Điều này đòi hỏi ngoài việc đạt điểm số đầu vào ở những môn thuộc tổ hợp xét tuyển thì rõ ràng còn cần người học có khối kiến thức nền tảng từ những lĩnh vực khác.
Điều quan trọng theo ông Tuấn, khi xu hướng dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề trong thời đại mới ngày càng thể hiện rõ, cùng với sự phát triển của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo và yêu cầu học tập bồi dưỡng kiến thức được đặt lên cao hơn thì việc thí sinh có nghiêng sự lựa chọn nhiều hơn vào khối ngành này hay khối ngành khác không còn là vấn đề đáng để lo ngại.
Nguồn: giaoduc.edu.vn