“Hội nghị lãnh đạo điện ảnh Đông Nam Á: Tương lai của điện ảnh Đông Nam Á” có 3 phiên tọa đàm gồm: “Xây dựng hệ sinh thái điện ảnh bền vững tại Đông Nam Á”; “Bồi dưỡng tài năng mới: Chương trình cố vấn và liên hoan phim”; “Tương lai của nguồn tài trợ phim ở Đông Nam Á”. Nhà sản xuất phim Raymond Phathanavirangoon, cựu lãnh đạo SEAFIC, cho biết Việt Nam có nhiều nhà làm phim trẻ tài năng, nhiều tiềm năng phát triển điện ảnh. Trong đó, phim “Cu Li không bao giờ khóc” (tiếng Anh: Cu Li Never Cries) của Phạm Ngọc Lân đã thắng giải “Phim đầu tay xuất sắc” tại Liên hoan Phim Berlin 2024; phim “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân cũng thắng giải tại Liên hoan Phim Cannes 2023; phim “Ròm” của Trần Thanh Huy thắng giải tại Liên hoan Phim quốc tế Busan 2019.
Cảnh trong phim “Bên trong vỏ kén vàng”. Ảnh do nhà phát hành cung cấp
Ông Jongsuk Thomas Nam – Giám đốc điều hành mạng lưới phim giả tưởng châu Á, đại diện Bucheon (Hàn Quốc) tham dự Liên hoan Phim quốc tế TP HCM, cho biết: “Điện ảnh Việt Nam có nhiều nhà làm phim Việt tài năng, dòng phim đa dạng để vươn tầm toàn cầu”.
Các nhà sản xuất, nhà đầu tư, đạo diễn… đến các liên hoan phim quốc tế để tìm kiếm sự hợp tác, cơ hội phát hiện nhân tài và những dự án hợp ý để chọn lựa đầu tư. Vì thế, HIFF 2024 là cơ hội tăng cường giao lưu, kết nối cũng như tạo điều kiện để nhà làm phim Việt Nam giới thiệu dự án với các nhà đầu tư quốc tế.
Ông Andrew Ooi, CEO Echelon Talent Management, cho biết ông thường đến các liên hoan phim để tìm kiếm nhân tố mới, tìm kiếm các diễn viên, đạo diễn, dự án hấp dẫn cho nhà đầu tư. Ông cho rằng trong dự án phim, kịch bản rất quan trọng, là cốt lõi, linh hồn của phim và đạo diễn là người tạo sức sống của phim. Nhà đầu tư không chỉ thích phim thương mại để kiếm tiền mà đôi lúc họ muốn tìm đến những dự án bồi đắp tinh thần, thỏa lòng đam mê, gắn kết các nhu cầu.
Bà Liza Dino, Giám đốc điều hành của Quezon City Film Commission, cho biết cần có sự hỗ trợ nhất quán từ chính phủ. “Chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc có sự hỗ trợ tài chính của chính phủ thông qua các nguồn quỹ. Đây là nguồn giúp điện ảnh phát triển, tạo ra các tác phẩm đậm bản sắc văn hóa từng khu vực địa phương, giúp hỗ trợ nhà làm phim tham gia liên hoan phim quốc tế” – bà Liza Dino cho biết.
Để có thể phát triển bền vững, sự đồng hợp tác không chỉ người làm nghề trong nước mà hướng ra quốc tế cũng quan trọng không kém. Vì “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, một tác phẩm được phổ biến không chỉ với khán giả trong nước mà còn ở nhiều nước khác để mang đến khán giả nước khác là điều cần thiết cho sự phát triển tương lai.
Theo Minh Khuê/NLĐO