Diễn đàn Kết nối ba bên Thanh niên – Marketer – Nhà báo: “Truyền thông – Nói không định kiến giới”

12/09/2023 08:48 Sáng

Trong số tất cả các quảng cáo có phụ nữ, 3/4 là dành cho các sản phẩm nhà bếp và nhà tắm.. Phụ nữ sẽ xuất hiện trong vai trò như người nấu ăn cho gia đình, người chăm sóc, dạy bảo con cái, người chăm sóc các thành viên trong gia đình, phụ trách công việc nhà… Còn nam giới sẽ gắn chặt với hình ảnh người thành công, mạnh mẽ, người có công việc ổn định, người lãnh đạo…

 Đây là chia sẻ của Chuyên gia Marketing, anh Ân Đặng –  Head of HCMC Branch Omega Media Worldwide tại  Diễn đàn Kết nối ba bên Thanh niên – Marketer – Nhà báo do Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức ngày 10/9 tại TP.HCM.

Chương trình với sự tham gia của Chuyên gia Giới -TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng Đồng; Chuyên gia Marketing – Ân Đặng, Head of HCMC Branch Omega Media Worldwide; TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh – Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, nhóm sinh viên từ trường Đại học KHXH&NV, các đơn vị tài trợ và đối tác…
Tại chương trình, đại diên các bên đã trao đổi, chia sẻ góc nhìn của mạng lưới nòng cốt về định kiến giới trong lĩnh vực Giáo dục, Báo chí & Marketing, Quảng cáo. Từ đó, cùng đề xuất những giải pháp và kinh nghiệm trong thúc đẩy bình giới.

Chuyên gia Marketing, anh Ân Đặng –  Head of HCMC Branch Omega Media Worldwide chia sẻ tại chương trình

Chuyên gia Marketing, anh Ân Đặng cho biết, trong truyền thông, quảng cáo, vấn đề định kiến giới có sự thể hiện một cách rõ ràng. Quảng cáo, truyền thông không chỉ phản ánh sản phẩm để người tiêu dùng mua mà còn phản ánh những tình huống hàng ngày mà người tiêu dùng sử dụng chúng. Điều này có nghĩa là những nhà làm quảng cáo sẽ khai thác Insight (Sự thật ngầm hiểu) từ phía khách hàng của mình để biết khách hàng thực sự mong muốn gì đối với sản phẩm, dịch vụ của họ. Những sản phẩm quảng cáo lồng ghép vai trò vai trò của phụ nữ. Phụ nữ trong các thông điệp quảng cáo, PR thường gắn chặt với vai trò bếp núc, chăm con, giặt giũ. Từ các sản phẩm tiêu dùng như bột giặt, nước rửa chén, đến các loại thực phẩm nội trợ, 90% quảng cáo đều dùng hình ảnh người phụ nữ trong gia đình… những kịch bản vẫn không thoát khỏi định kiến giới. Hầu như không thấy có quảng cáo nào sử dụng một vai nam đi thay tã cho trẻ con hoặc rửa chén, lau nhà. Những hình ảnh định kiến ấy vô tình hay hữu ý tác động vào quan niệm, suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng, đi ngược lại với nỗ lực xây dựng xã hội nam nữ bình đẳng.

Chị Ngọc Mai, đại diện RED cho biết, định kiến giới chỉ là một trong những vấn đề xã hội có liên quan đến quảng cáo của các nhãn hàng. Tuy nhiên, hành trình nhìn nhận và thay đổi những định kiến xã hội lại là một hành trình dài và luôn khó. Khi mà các nhãn hàng đều bị tác động bởi những gì khách hàng muốn, và khách hàng lại bị ảnh hưởng bởi chính những gì họ tiêu thụ từ nhãn hàng – không chỉ là sản phẩm, mà còn là sản phẩm truyền thông và quảng cáo. Quảng cáo không nhằm mục đích tuyên truyền mà ra đời để phục vụ thị trường, “trách nhiệm của nó là cường điệu hóa những tâm nguyện của xã hội.” Chính vì thế, quảng cáo sẽ phản chiếu lại những khuôn mẫu phổ biến và được số đông theo đổi trong xã hội Việt Nam.

Giảm bớt đinh kiến giới trên các sản phẩm quảng cáo cần nỗ lực từ cả nhà sản xuất và người xem. Người làm sản xuất chắc chắn cần phải lắng nghe và điều chỉnh theo thị hiếu người xem. Việc ngay lập tức đưa ra một bộ quy chuẩn về giới và áp các sản phẩm quảng cáo của công ty cũng khó đem lại hiệu quả cao vì quảng cáo có áp lực bán hàng rất nặng nề. Tuy nhiên, lợi nhuận phải đi kèm với trách nhiệm xã hội. Những định kiến về giới nếu cứ khai thác mãi dù đang mang lại lợi nhuận cũng sẽ sớm trở nên nhàm chán và không thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Hiện nay, có những đơn vị đang có sự thay đổi tích cực, chú trọng lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới, qua đó góp phần định hướng và xóa bỏ những định kiến về giới, anh Ân Đặng cho biết thêm.

TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng Đồng với 20 năm làm việc và nghiên cứu về giới chia sẻ rằng: Phụ nữ ngày nay càng ngày càng thể hiện và được bản lĩnh của mình hơn trên nhiều các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị xã hội những việc mà trước đây chỉ mặc định dành cho đàn ông. Xã hội phát triển, đời sống con người đổi khác, phụ nữ trở nên có vị thế hơn. Chúng ta đã có nhiều chính khách, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân là nữ. Theo số liệu của Tổng cục thống kê 2020 , ở Việt Nam, tỷ lệ đại biểu quốc hội là nữ chiếm 30.26% (trung bình toàn cầu là 25.5%, xếp thứ 51 trên toàn cầu và thứ 4 ở Châu Á); Tỷ lệ nữ nắm giữ các vị trí cấp cao trong doanh nghiệp là 39% (toàn cầu 31%, khu vực 38%); Tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 29%.; Tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021 – 2026 chiếm 29.1%; Tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 29%…

Giới tính chưa bao giờ là yếu tố đánh giá khả năng lãnh đạo của một cá nhân. Những danh xưng như “phái đẹp” hay “phái yếu” vô hình trung gắn mác và giới hạn khả năng của người phụ nữ. Trong khi trên thực tế, phụ nữ trong vai trò lãnh đạo không hề cảm tính, yếu đuối và thiếu quyết đoán như nhiều người vẫn thường nghĩ. Tuy nhiên khi nói đến vai trò lãnh đạo người ta thường hay dựa vào giới tính. Khi mô tả phụ nữ, người ta thường “phi thường” hóa vai trò của họ. Phụ nữ là phải “đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Và đối với các nữ lãnh đạo vẫn còn nhiều định kiến như việc nam giới làm chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tốt hơn phụ nữ. Phụ nữ lãnh đạo thì sẽ cảm tính, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Phụ nữ khi làm lãnh đạo bị soi xét, để ý hơn so với nam giới và đặt ra nhiều vấn đề khắt khe hơn,… Chính những quan điểm thiên lệch không đúng đã vô tình gây ra gánh nặng cho phụ nữ.

TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh -Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM

TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh -Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM chia sẻ, về khía cạnh giáo dục phụ nữ luôn có những rào cản, khó khăn nhiều hơn nam giới khiến tỷ lệ nữ lãnh đạo thấp. Đơn cử như phụ nữ phải thực hiện thiên chức làm mẹ của mình. Nếu họ sinh 2 con thì họ phải mất thời gian khoảng từ 5-6 năm. Phụ nữ muốn làm lãnh đạo thì phải học đến trình độ Tiến Sĩ. Nếu không cân bằng thời gian học tập và gia đình thì có thể họ sẽ phải đứng trước nguy cơ đổ vỡ trong hôn nhân. Do vậy, so với nam giới thì phụ nữ buộc phải cố gắng hơn rất nhiều để có thể đạt được vai trò lãnh đạo.

Được biết, diễn đàn Kết nối ba bên Thanh niên – Marketer – Nhà báo là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Oxfam Vietnam, được RED triển khai trong bốn năm từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với mục tiêu là thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam thông qua tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới.

PV

Cùng chuyên mục

Khai mạc Liên hoan phim Ý 2024 tại TP HCM

30/09/2024 08:06 Sáng

Liên hoan phim (LHP) Ý 2024 tại TP HCM đã tưng bừng khai mạc tối 29-9, tại cụm rạp Galaxy (116 Nguyễn Du, Q.1, TP HCM).

Hạng mục Truyền hình thêm 2 giải mới cho diễn viên phụ đẩy cuộc đua Ngôi Sao Xanh 2024 lên cao trào

02/12/2024 08:10 Chiều

Năm 2024, bức tranh toàn cảnh của truyền hình Việt nhìn từ lăng kính đề cử tại Ngôi Sao Xanh, được đánh giá là khởi sắc với nhiều bộ phim ấn tượng, hàng loạt vai diễn cả chính lẫn phụ được khán giả yêu mến giúp nhiều tên tuổi vụt sáng.

Hoa hậu H’Hen Niê lần đầu xuất hiện trên tạp chí Vogue Mỹ

02/07/2024 11:28 Chiều

Nhìn hoa hậu H'Hen Niê toát lên hai thái cực, vừa quyến rũ vừa phá cách khi diện những thiết kế mới lên bìa tạp chí Vogue.

Đại nhạc hội ‘Ánh đạo trong dòng sử Việt’

19/06/2022 04:15 Chiều

Tối 18/6, tại Nhà hát Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đại nhạc hội “Ánh đạo trong dòng sử Việt" chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (1982-2022) và Đại hội Đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 thành công tốt đẹp.

Đối tác