Ngành tài chính cá nhân tại Việt Nam phát triển tương đối nhanh
Tài chính cá nhân được hiểu là một thuật ngữ chỉ việc quản lí tiền của cá nhân, tiết kiệm và đầu tư. Tại Diễn đàn, các diễn giả tập trung phân tích thực trạng và định hướng của các tổ chức, như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư… trong việc phát triển tài chính cá nhân tại Việt Nam. Đồng thời, các diễn giả cũng đưa ra các khuyến nghị nâng cao kiến thức về quản lý tài chính cho người dân.
Theo Tiến sĩ Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA chia sẻ, hiện nay, phần lớn chất lượng dịch vụ tư vấn tài chính là đáng báo động, gây nhiều hệ lụy. Các chương trình đào tạo người tư vấn tài chính ở Việt Nam đang giải quyết về mặt hình thức, chưa đảm bảo đủ chất lượng theo thông lệ quốc tế trong khi thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nhiều người đi tư vấn đầu tư còn không biết nguyên tắc định giá tài sản đầu tư, tư vấn cho vay mà không nắm vững về nguyên tắc quản trị rủi ro phá sản cho khách hàng.
Ông Nghĩa cho rằng, nghề tư vấn tài chính cá nhân cần đứng về phía người mua. Chính vì coi tư vấn tài chính cá nhân là một nghề nên phải xây dựng bộ tiêu chuẩn hay chuẩn mực của ngành Hoạch định tài chính cá nhân.
“Dự kiến, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức 50 triệu người vào năm 2050, theo World Bank. GDP đang tăng trưởng cao liên tục trong dài hạn ở mức 5-7%/năm. GDP bình quân đầu người đã tiệm cận mức 4.000 USD/năm. Do vậy, nhu cầu về đầu tư, tích lũy và bảo vệ cho tài chính bản thân và gia đình là rất lớn”, TS Lê Minh Nghĩa nhận định.
TS Nghĩa dẫn chứng về một cuộc khảo sát nhỏ trên địa bàn Hà Nội, sự quan tâm tới tài chính cá nhân của người Việt Nam chưa nhiều, trên 80% số người được khảo sát không biết tài chính cá nhân là gì và họ cũng không quan tâm nhiều tới các kế hoạch tài chính cá nhân.
Hoạch định tài chính cá nhân sẽ là ngành mới của ĐH Văn Lang niên khóa 2024-2025
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang cho hay, dự kiến từ năm học 2024 – 2025, song song với ngành Bất động sản và Công nghệ tài chính (Fintech), chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng của trường sẽ có thêm chuyên ngành Hoạch định tài chính cá nhân. Đây là ngành mới bên cạnh các chuyên ngành hiện hữu là Tài chính doanh nghiệp, Đầu tư tư tài chính, Quản trị rủi ro và bảo hiểm, Ngân hàng và Tài chính số.
Theo ông Tiến Hoàng, trên thế giới đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Hoạch định tài chính cá nhân, tuy nhiên ở Việt Nam hiện tại chưa có ngành này.
Đại học Văn Lang kỳ vọng sẽ cùng các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam quan tâm và phát triển ngành học này trong tương lai để không những cung ứng cho thị trường lao động nhân sự có chất lượng cao mà còn tham gia hữu ích vào việc nâng cao kiến thức về quản lý tài chính trong cộng đồng, hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển tài chính toàn diện theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.