Doanh nghiệp bắt nhịp cùng xuất khẩu trực tuyến

15/08/2024 10:11 Sáng

Thương mại điện tử (TMĐT) hay mua bán hàng hóa qua mạng là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán.

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu

Ngày nay, thương mại điện tử không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp phát triển trong bối cảnh thời đại toàn cầu hóa, đây là lĩnh vực tiềm năng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sinh lợi và phát triển. Ở tầm vĩ mô, thương mại điện tử được xem như một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia khi tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế và tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới trên toàn cầu tăng trưởng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thông thường. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới hàng năm sẽ tiếp tục đạt mức hơn 28% đến năm 2027.

Đứng trước sự phát triển nhanh chóng đó, ngày 27/7/2024, gần 80 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Trung Quốc, Canada, Australia, Ả Rập Xê-út và Nhật Bản, đã đồng ý về một bộ quy tắc để quản lý thương mại điện tử toàn cầu. Bộ quy tắc này đã một lần nữa khẳng định vai trò của TMĐT trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi.

Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế toàn cầu, xu hướng kinh doanh đang chuyển dịch nhanh chóng từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trên các nền tảng số. Mặt khác, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày một đánh giá cao. Do đó, xuất khẩu trực tuyến đang được coi là hình thức thương mại của tương lai.

Tọa đàm “Bắt nhịp cùng xuất khẩu trực tuyến” trên VTV1
Tọa đàm “Bắt nhịp cùng xuất khẩu trực tuyến” trên VTV1.

Trong Tọa đàm “Bắt nhịp cùng xuất khẩu trực tuyến” với sự phối hợp và tham gia của các khách mời từ Bộ Công Thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Amazon Global Selling Việt Nam ngày 07/8/2024 do Đài THVN tổ chức, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định: “Thương mại điện tử xuyên biên giới hay là thương mại điện tử nói chung trên thế giới hiện nay nó đang là xu thế tất yếu. Theo báo cáo của chúng tôi, trong vòng 12 tháng vừa qua có khoảng hơn 17 triệu đơn vị sản phẩm đã tới tay người tiêu dùng trên toàn cầu được cung ứng bởi các nhà bán hàng Việt Nam. Đây là một con số rất ấn tượng, tôi tin rằng với mức độ tăng trưởng hiện nay trên toàn cầu về TMĐT thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được những cơ hội như vậy để phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ có thể tiếp cận thị trường quốc tế bằng một click chuột, ngồi tại Việt Nam mà họ có thể đem thương hiệu Việt Nam ra phục vụ cho khách hàng toàn cầu, đặc biệt những thị trường rất lớn, ví dụ như là thị trường Mỹ, thị trường châu Âu và thị trường Nhật Bản”.

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

Bà Trần Bích Ngọc, Phó Chánh Văn phòng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Thư ký Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, Bộ Công Thương chia sẻ: “Tốc độ phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trung bình đạt khoảng 20% mỗi năm và hiện nay đang đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một khu vực rất là năng động và có tốc độ phát triển thương mại điện tử đứng hàng đầu trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Access Partnership, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử năm 2022 đạt khoảng 80.000 tỷ và con số này sẽ được dự kiến là khoảng 300.000 tỷ vào năm 2027. Điều này cho thấy rằng là thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam rất tiềm năng, mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và thương hiệu nhỏ Việt Nam tham gia”.

Bà Trần Bích Ngọc, Phó Chánh Văn phòng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phát biểu tại Tọa đàm
Bà Trần Bích Ngọc, Phó Chánh Văn phòng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phát biểu tại Tọa đàm.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, xuất khẩu trực tuyến đang là bệ phóng để các doanh nghiệp vươn xa, hội nhập quốc tế. Bà Lê Thị Tú Uyên – Quản lý thương hiệu Beefuni cho biết, Beefuni kinh doanh trên Amazon từ 2019 và là một trong những ngành hàng cạnh tranh nhất trên Amazon. Tính đến nay thì gian hàng Beefuni đã đăng tải được 30 sản phẩm trên gian hàng, tốc độ tăng trưởng 2022 so với 2021 là 300%.

Những rào cản trong xuất khẩu trực tuyến

Tuy nhiên thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều những thách thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trên thực tế thì không ít các nhãn hiệu Việt Nam như là thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc hay gạo Nàng Hương đã bị thiệt hại tới hàng trăm nghìn đô la Mỹ mới lấy lại được thương hiệu. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu gồm có nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bằng sáng chế, quyền tác giả. Trong đó nhãn hiệu là điều cơ bản nhất các doanh nghiệp phải bảo hộ khi xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trực tuyến. Còn những doanh nghiệp có sản phẩm đặc thù, gia tăng doanh số nhanh thì khi bắt đầu nên lưu ý thêm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với những nội dung khác, như kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế.

Không chỉ chỉ có rủi ro về bảo hộ sở hữu trí tuệ, khi tham gia vào các mô hình xuất khẩu qua thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với 4 nhóm khó khăn chính đó là về tiếp cận thông tin, năng lực sản xuất, chi phí và những quy định về pháp lý của quốc tế.

Đứng trước những khó khăn trên, ông Trần Văn Trọng – Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, VECOM mong muốn nhà nước có những chính sách phù hợp, tạo được điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp khi họ tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; Thứ hai là đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước có các chính sách để phát triển hạ tầng số, từ hạ tầng viễn thông cho tới các nền tảng số giúp doanh nghiệp kinh doanh; Thứ ba là khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đồng hành để đẩy mạnh việc giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, tiếp cận chuyển đổi số.

Ngoài những vấn đề về hạ tầng, cơ chế, việc đào tạo và phát triển nhân lực lĩnh vực xuất khẩu thương mại điện tử cũng yếu tố then chốt quyết định tốc độ, hướng đi của chiến lược. “Nếu như ở những giai đoạn trước đây nhân sự được đào tạo với quy mô và số lượng lớn thì đến giai đoạn hiện nay, căn cứ vào tình thực tế thì chúng tôi đang xem xét để tập trung đào tạo những kỹ năng trực tiếp và thực chiến để cho hỗ trợ doanh nghiệp có thể tham gia được các sàn thương mại điện tử và ứng dụng” – bà Trần Bích Ngọc, Phó Chánh Văn phòng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Thư ký Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, Bộ Công Thương cho biết.

Theo Báo cáo Cơ hội xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2023 của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam ước đạt 86.000 tỷ đồng vào năm 2023 và có thể tăng gần 5 lần lên là 425.000 tỷ đồng vào năm 2028 nếu có các hỗ trợ kịp thời. Cũng theo chiến lược phát triển, mục tiêu tới năm 2030 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ 6% tới 7% một năm, tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa là từ 5-6% một năm. Do đó, cần phải phát huy hiệu quả hơn nữa trong tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, tăng cường tiêu dùng sản phẩm Việt trong và ngoài nước thông qua thương mại điện tử.

Theo Doanhnghiephoinhap

Cùng chuyên mục

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế vượt khó khăn năm 2024

06/04/2024 12:58 Sáng

Các chuyên gia nhận định, thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh, vấn đề thẻ vàng IUU của thị trường EU, thuế chống trợ cấp tại Mỹ,...

Herbalife Việt Nam hỗ trợ nâng chất lượng bữa ăn cho hơn 1.100 trẻ em khó khăn

12/07/2023 02:30 Chiều

Herbalife Việt Nam vừa tổ chức lễ tái ký kết chương trình hợp tác với bảy đối tác Casa Herbalife giúp nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho hơn 1.100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này đánh dấu 10 năm chương trình Casa Herbalife được triển khai tại Việt Nam.

DTG CORP mang đến những giải pháp và trải nghiệm thú vị tại Vietnam Security Summit 2024

01/06/2024 06:50 Chiều

Với vai trò là đơn vị đồng hành Kim cương, Công Ty Cổ Phần Công Nghệ DTG (DTG CORP) xuất hiện nổi bật tại sự kiện với gian hàng triển lãm: Trung tâm chẩn đoán an toàn thông tin vô cùng độc đáo, khác biệt và ấn tượng, mang đến những giải pháp và trải nghiệm thú vị, thu hút sự quan tâm và đăng ký thăm khám của hàng trăm khách hàng tham dự.

Để ngân hàng mở thực sự “mở cửa”

18/06/2022 06:49 Chiều

Đã đến lúc ngân hàng và các tổ chức tài chính cần thay đổi chiến lược quản trị thay đổi. Không chờ thay đổi xuất hiện rồi mới đáp ứng. Không nên bị động trước sự thay đổi, trước xu hướng “mở". Cần chủ động dẫn dắt và quy hoạch mọi sự thay đổi. Đây chính là chiến lược đúng đắn giúp kiến thiết những giá trị nền tảng cho doanh nghiệp trong thời kì chuyển đổi số toàn diện.

Triển lãm quốc tế về máy móc, thiết bị nguyên phụ liệu dệt may, da giày VTG 2023: Nâng tầm ngành dệt may Việt Nam

25/10/2023 01:25 Chiều

Sáng 25/10, tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), Tp. Hồ Chí Minh, đã đồng loạt khai mạc chuỗi Triển lãm quốc tế lần thứ 21 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt may – VTG 2023.

Đối tác