Đây là kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – EuroCham.
Để đạt được những bước tiến xa hơn, các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đồng thời, tháo gỡ các rào cản liên quan đến quá trình cấp phép dự án.
Bên cạnh đó, các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam cần tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng và các ưu đãi ngoài giá cả và giá thuê như dịch vụ gia nhập thị trường, hỗ trợ nhân sự và pháp lý, dịch vụ quản lý hay sáng kiến bền vững.
Trong 9 tháng đầu năm, lượng vốn FDI giải ngân vào Việt Nam đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Đáng nói, đây là mức đầu tư cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 5 năm qua.
Như vậy, rõ ràng, nếu như bối cảnh khó khăn đang gây áp lực lên tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam thì giai đoạn phục hồi tới đây được dự báo sẽ là sự bùng nổ thu hút FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến chế tạo.
Thống kê của Savills Việt Nam, nếu đầu năm, các dự án FDI được giải ngân khá cầm chừng, đến nay tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước là trên 80%, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, các tỉnh trọng điểm của phía Bắc đạt 83%, còn phía Nam đạt 91% và tập trung ở những địa phương có tính ổn định, thông suốt về cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính.
Việc nguồn vốn FDI cam kết và giải ngân đều ở mức cao trong 10 tháng qua được Ngân hàng Thế giới nhận định đây là sự phản ánh niềm tin tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng của Việt Nam trong bối cảnh bất ổn toàn cầu tiếp tục gia tăng.
Tuy vậy, theo đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu, vẫn còn những trở ngại khi hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, 59% cho rằng những khó khăn về hành chính là thách thức chính. Bên cạnh đó là những trở ngại từ sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, rào cản trong việc xin giấy phép, các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài.
Để cải thiện thu hút FDI của Việt Nam, 58% số người được khảo sát cho rằng việc tinh giản bộ máy cồng kềnh là yếu tố quan trọng nhất, 48% ủng hộ việc tăng cường môi trường pháp lý, 1/3 kêu gọi nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và 22% nhấn mạnh việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực và giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài.
Baodansinh.vn