Nâng quy mô đầu tư
Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TPHCM, cho biết, từ khảo sát ý kiến của hơn 1.400 DN Nhật Bản cho thấy, dòng vốn đầu tư mới từ bên ngoài đổ vào Việt Nam sẽ không tăng mạnh như các năm, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ do tình hình đi lại giữa các quốc gia còn nhiều hạn chế. Các nhà đầu tư mới một khi chưa khảo sát trực tiếp thị trường sẽ chủ động hoãn kế hoạch đầu tư. Ngược lại, các DN đang đầu tư tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư. Trong đó, nhóm DN ngành phi chế tạo sẽ mở rộng mạnh hơn nhóm DN ngành chế tạo.
Lý giải vấn đề trên, theo ông Shinji Hirai, dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021 đã có những tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ các DN dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2021 là 54,3%, tăng 4,7 điểm so với năm trước; và tỷ lệ DN bị lỗ là 28,6%, giảm 1,5 điểm.
Nhìn vào dự báo lợi nhuận kinh doanh theo ngành nghề của Việt Nam, tỷ lệ các DN có lãi trong ngành chế tạo là 57,5%, tăng 6,7 điểm so với năm trước; ngành phi chế tạo là 51,5%, tăng 3,3 điểm. Do vậy, khi nói về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022 tại Việt Nam, số DN Nhật Bản kỳ vọng cải thiện là 56,2%, suy giảm chỉ có 9,6%. Do đó, nhiều DN hướng đến quyết định mở rộng đầu tư.
Trao đổi về những định hướng kế hoạch đầu tư mới cho năm 2022, nhiều DN châu Âu cũng cho biết, đã sẵn sàng quay trở lại và tăng tốc đầu tư tại Việt Nam. Đại diện Tiểu ban tăng trưởng xanh của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là thị trường tiềm năng đầu tư năng lượng sạch, bao gồm năng lượng gió và mặt trời. Bởi hiện nay, nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam tăng mạnh, trong khi khả năng cung ứng từ hệ thống thủy điện và nhiệt điện bị giới hạn.
Chuyển đầu tư gia công sang đầu tư kỹ thuật cao
Một số DN Nhật Bản cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư ngành kỹ thuật cao, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng. Đồng thời, mở rộng hệ thống phân phối, bán lẻ để tăng thị phần tiêu thụ hàng Nhật tại Việt Nam. Ông Shinji Hirai cho biết, các DN Nhật đang đánh giá Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng với quy mô dân số hơn 100 triệu dân. Mặt khác, chế độ tiền lương cho nhân công Việt Nam tăng mạnh trong các năm gần đây cũng đã góp phần tăng kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa.
Ngoài ra, khả năng cung ứng nguyên liệu sản xuất nội địa tại Việt Nam đã được cải thiện. Do vậy, xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản cũng thay đổi theo hướng đầu tư sản phẩm kỹ thuật cao như công nghệ số, trang thiết bị y tế, dược phẩm… Hình thức đầu tư cũng sẽ thay đổi. Thay vì nhà máy tại Việt Nam chỉ gia công một số công đoạn cho nhà máy tại Nhật Bản thì sẽ sản xuất hoàn thiện sản phẩm và trực tiếp xuất khẩu sang nhiều thị trường khác.
Tương tự, Hiệp hội DN Hoa Kỳ nhận định, tại Việt Nam đã và đang xuất hiện nhiều DN sản xuất nguồn nguyên liệu, đủ để có thể sản xuất sản phẩm đa chi tiết, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu chất lượng, sản phẩm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên cơ sở này, các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam một mặt mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, mặt khác tăng tỷ lệ thu mua nguồn nguyên liệu nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết, Intel đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) – nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu đóng tại Khu công nghệ cao TPHCM, nâng tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam lên gần 1,5 tỷ USD. Trước đó, Tập đoàn Samsung đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) quy mô hơn 220 triệu USD để nghiên cứu về phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Theo nhìn nhận của các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam, những thay đổi trong chính sách điều hành của Chính phủ đang tạo ra những tín hiệu tích cực cho môi trường đầu tư. Trong đó, phải kể đến chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu sản xuất đã thu hút DN nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế cạnh tranh khác như chi phí nhân công thấp hơn nhiều nước trong khu vực châu Á. Không dừng lại đó, lợi thế từ những hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết giúp DN mở rộng xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn nhiều ý kiến của DN cho rằng, môi trường đầu tư Việt Nam còn nhiều hạn chế cần cải thiện như giá thu mua nguyên vật liệu đang tăng, xuất khẩu sụt giảm ở một số thị trường. Đặc biệt, việc cải cách thủ tục hành chính ở nhiều nơi chưa hiệu quả, thậm chí còn phức tạp hơn so với trước đây. Tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan chức năng, địa phương còn phổ biến. Một số chính quyền địa phương vận hành chính sách thiếu minh bạch. Cơ sở hạ tầng điện chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu quỹ đất và giá thuê đất đầu tư văn phòng, nhà xưởng tăng cao đang là hạn chế rất lớn với môi trường đầu tư. Việc cải thiện những hạn chế này sẽ là nền tảng quan trọng để DN nước ngoài phát triển ổn định và mở rộng quy mô đầu tư, đồng thời tạo động lực để thu hút dòng vốn ngoại đầu tư mới vào Việt Nam thời gian tới.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.738 dự án, đạt 15,25 tỷ USD, giảm 31,1% về dự án và tăng 4,1% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Với vốn đăng ký điều chỉnh, có 985 lượt dự án đã cấp phép đầu tư tăng thêm 9,01 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm 2020. Ngoài ra, có 3.797 lượt mua cổ phần, đăng ký góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị góp vốn 6,89 tỷ USD, giảm 7,7% so với năm 2020. Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020. |