Doanh nghiệp Nhà nước đang nắm 1/4 vốn sản xuất toàn xã hội

25/03/2022 11:13 Sáng

Trong năm 2020, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ghi nhận hơn 1,55 triệu tỷ đồng doanh thu. Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Nắm giữ nguồn lực lớn nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn hạn chế.

Chỉ chiếm 0,08% số doanh nghiệp hoạt động, nhưng nhóm doanh nghiệp Nhà nước lại nắm giữ nguồn lực rất lớn của nền kinh tế với hơn 1/4 tổng vốn sản xuất kinh doanh toàn xã hội. Đây là số liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư ghi nhận trong báo cáo về vị trí, vai trò, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 trình Thủ tướng tại hội nghị với doanh nghiệp Nhà nước sáng 24/3.

Theo cơ quan quản lý doanh nghiệp, đến hết năm 2020, cả nước còn gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chủ yếu tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, công trình thủy lợi (40%); quốc phòng an ninh (17%); công ích đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước (14%); hoạt động xổ số (13%)…

Với nhóm doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng…

Nắm giữ nguồn lực lớn của xã hội

Nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, hiện còn 94 doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, gồm 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty Nhà nước; 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ – con.

Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng doanh nghiệp Nhà nước nhưng khối công ty mẹ – tập đoàn – tổng công ty lại nắm giữ 90% tổng tài sản, 88% doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ nhóm doanh nghiệp này.

Cũng theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dù các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chỉ chiếm khoảng 0,08% số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế với khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.

picture1-1648112860-6119-1648113656.jpg

Dù chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhóm doanh nghiệp Nhà nước lại nắm giữ nguồn lực rất lớn của xã hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp này cũng chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, quy mô tài sản bình quân của một doanh nghiệp Nhà nước cũng là 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh.

Nếu xét về hiệu quả kinh doanh, trong năm 2020, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ghi nhận hơn 1,55 triệu tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế toàn nhóm đạt 122.347 tỷ, tăng 5%.

Trong đó, một số công ty mẹ có tổng doanh thu năm 2020 cao hơn nhiều so với năm 2016 như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với doanh thu tăng gấp 2,08 lần; Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) doanh thu tăng 2,68 lần; Tổng công ty Đông Bắc tăng 2,35 lần doanh thu giai đoạn này…

Tương tự, mức đóng góp ngân sách Nhà nước của nhóm doanh nghiệp này cũng dẫn đầu toàn thị trường với khoảng 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách hàng năm. Như năm 2020, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã nộp tổng cộng 241.728 tỷ đồng tiền thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách.

Hiệu quả chưa tương xứng

Tuy nhiên, cũng tại báo cáo này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được nắm giữ.

Theo đó, kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này đạt được chủ yếu dựa trên nguồn lực sẵn có (lĩnh vực, vốn, thị trường..), trong khi chất lượng và hiệu quả hoạt động thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh.

Một số doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thấp, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Như năm 2020, có 11/73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty lỗ lũy kế hơn 11.464 tỷ đồng. Đối với hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước, hạn chế chủ yếu là quy mô vốn và tỷ lệ an toàn vốn còn thấp so với các ngân hàng thương mại trong khu vực và trên thế giới.

picture2-1648112942-3488-1648113656.jpg

Nắm giữ nguồn lực lớn nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn hạn chế. Ảnh: Minh Hoàng.

Cơ quan quản lý cũng đánh giá khả năng cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế của nhóm doanh nghiệp Nhà nước còn thấp.

Trong lĩnh vực trọng yếu như thương mại với số thu cân đối ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,81% tổng thu ngân sách, trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,36 điểm %, còn doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước chỉ chiếm khoảng 2,2 điểm %.

Như vậy, nếu sử dụng xuất khẩu là tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh, có thể thấy khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết hiện nhiều doanh nghiệp Nhà nước chiếm thị phần lớn hoặc chi phối ở một số lĩnh vực nhưng lại chưa quan tâm đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định đến việc tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt như cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh…

Ngoài ra, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy. Trong đó, 5 năm gần nhất, có rất ít dự án, công trình mới của nhóm doanh nghiệp này được khởi công, hầu như các doanh nghiệp chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án còn tồn đọng từ giai đoạn trước.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước & Tập đoàn Viettel chỉ triển khai 4 dự án đầu tư nhóm A, trong đó có 3 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 trở về trước và 1 dự án khởi công mới năm 2016.

Việc phải xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả do quản lý không hiệu quả trong quá khứ cũng khiến một số doanh nghiệp có tâm lý e ngại rủi ro nên không muốn thực hiện các dự án đầu tư mới.

Theo Zing

 

Cùng chuyên mục

Doanh nghiệp chế biến mực, bạch tuộc xuất khẩu lo thiếu nguyên liệu

27/11/2021 02:15 Chiều

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù xuất khẩu (XK) mực, bạch tuộc của Việt Nam cả năm 2021 dự kiến tăng 13% so với năm 2020 nhưng nguồn cung nguyên liệu sản xuất hạn chế.

Triển lãm HortEx Vietnam 2023: điểm hẹn chuyên nghiệp lớn nhất Đông Nam Á trong ngành rau, hoa, quả

01/03/2023 02:35 Chiều

Ngày 1/3, Triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 5 chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả Việt Nam (HortEx Vietnam 2023) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh.

Bosch Việt Nam đạt chứng nhận “Great Place to Work” năm 2023

25/03/2023 03:40 Chiều

Bosch Việt Nam tập trung thúc đẩy môi trường làm việc lấy con người làm trọng tâm, áp dụng mô hình 3 “Trao”: Trao quyền phát triển (Grow), Trao niềm vui làm việc (Enjoy) và Trao cảm hứng (Inspire)

Thị trường logistics Việt nguy cơ rơi hết vào doanh nghiệp ngoại

02/05/2021 09:58 Sáng

Hiện 80% thị phần logistics nằm trong tay doanh nghiệp ngoại, nếu các công ty Việt Nam không sớm chuyển đổi số, nguy cơ sẽ mất luôn phần còn lại. Cảnh báo này được đưa ra tại hội thảo phát triển thị trường logistics cho doanh nghiệp Việt, ngày 20/4.

Đối tác