Đó là lý do mà lượng thịt bò Canada nhập vào Việt Nam đã tăng mạnh từ đầu năm nay (có những thời điểm tăng đến 400%). Đặc biệt là các DN đã tận dụng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để gia tăng NK sản phẩm thịt từ nước này.
Các DN trong ngành thực phẩm cần để tâm đến những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng để cạnh tranh tốt hơn. |
Ở góc độ người tiêu dùng, anh Toàn (nhà ở quận Gò Vấp) cho rằng thịt bò NK có giá không quá mắc, lại được tiếng về chất lượng an toàn, cùng với tâm lý chuộng hàng ngoại, nên khi vào siêu thị thấy bày bán thì mua ngay.
Những thông tin mới đây cho thấy không chỉ thịt bò NK đang ngày càng gia tăng vị thế trên thị trường nội địa mà cả thịt heo nhập cũng đang tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay (trong đó có nhiều tháng liền đã tăng đến 300% so cùng kỳ năm trước).
Trao đổi với VnBusiness bên lề hội thảo bàn về giải pháp phục hồi cho DN ngành thực phẩm trong bối cảnh mới tổ chức ở Tp.HCM ngày 15/12, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), cho biết việc NK các sản phẩm thịt đang là thách thức lớn với ngành chế biến thực phẩm Việt. Đặc biệt là trong bối cảnh chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam chưa có thế mạnh so với các nước khác.
“Đó là lý do tại sao thịt heo từ Mỹ về Việt Nam với giá rất rẻ. Các loại thực phẩm chế biến NK khác cũng vậy. Bởi vì họ làm với công suất cao hơn, hiệu quả tốt hơn nên chi phí sản xuất sẽ rẻ hơn”, ông Hiến nói.
Ngoài ra, theo Phó chủ tịch FFA, lợi thế của thực phẩm NK còn đến từ chính sách hỗ trợ xuất khẩu từ các quốc gia đó (điển hình như Trung Quốc). Điều này khiến cho các DN nội địa trong lĩnh vực thực phẩm gặp khó khăn trong việc cạnh tranh.
Về chuyệnồ ạt NK sản phẩm thịt như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đó là do thị trường quyết định, trong đó có yếu tố quan trọng là tâm lý chuộng thực phẩm ngoại giá rẻ của người tiêu dùng.Hơn nữa, các sản phẩm này lại bảo đảm các quy định an toàn thực phẩm.
Vì vậy, giới chuyên gia lưu ý các DN trong ngành cần để tâm đến những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng sản phẩm thịt để cạnh tranh tốt hơn.
Theo đó, đây là một trong chỉ dấu về sự thay đổi của thị trường thịt mà các DN phải chủ động nắm rõ để thích ứng. Và khi thị trường thay đổi, các yếu tố khác sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị hiếu tiêu dùng mặt hàng thịt.
Thích nghi với xu thế mới
Không chỉ với thị trường thịt, bàn về những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng chung trên thị trường thực phẩm, Ts. Huỳnh Thanh Điền – nhà tư vấn chính sách, nhấn mạnh các DN cần tránh bị động, đặc biệt với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lại càng có những thay đổi nhiều hơn.
Theo ông Điền, trong xu hướng tiêu dùng hiện nay thì thực phẩm nhậptăng lên đáng kể. Ngoài ra, cần tính tới những xu hướng của ngành lương thực, thực phẩm trong bối cảnh đại dịch.
Cụ thể, người tiêu dùng ưa chuộng và gia tăng tiêu dùng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hữu cơ, thành phần dinh dưỡng lành mạnh, đóng gói bao bì hiện đại, tiện dụng.
Hơn thế nữa, đó còn là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đặt hàng và kiểm soát chất lượng từ xa dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ số để kết nối và tăng tương tác với khách hàng cả trong quá trình sản xuất và giao thương.
Ông Điền cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự dịch chuyển từ việc mua hàng trực tiếp sang trực tuyến. Nhờ đó, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ: các kênh bán hàng trực tuyến đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh có mức tăng trưởng lên tới 91% trong năm 2021.
Những dịch chuyển này trong xu hướng tiêu dùng cũng đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.Không những vậy, dịch Covid-19 cũng đã tác động sâu rộng lên chuỗi cung ứng, khiến các mô hình chuỗi cung ứng truyền thống hiện hữu gặp phải rủi ro, nên phát sinh nhu cầu phải tính toán thiết kế lại chuỗi cung ứng. Từ đó, xu hướng về chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt đang được mở ra để thích nghi với điều kiện mới.
Ts. Huỳnh Thanh Điền đưa ra một số lời khuyên cho các DN thực phẩm để thích nghi với xu thế mới. Theo đó, DN cần chú trọng tới việc nghiên cứu sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi với phương thức bán hàng mới, thuận tiện trong vận chuyển, tối ưu hóa giá trị sử dụng.
Đồng thời, các DN cần chủ động và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh như tăng tương tác B2B (từ DN tới DN), B2C (từ DN tới khách hàng) và kiểm soát chất lượng từ xa…