Theo VASEP, bất cập vướng mắc liên quan tới hoạt động kiểm tra nhập khẩu có tên “kiểm dịch” đối với sản phẩm thuỷ sản dùng làm thực phẩm đã tồn tại trong 6 năm qua. Bất cập này chưa được rà soát, sửa đổi theo quyết nghị cụ thể về nội dung này ghi rõ tại các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 2 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tổng hợp ý kiến từ các DN và nghiên cứu chuyên môn của các chuyên gia, VASEP nhận thấy rằng hoạt động kiểm tra nhà nước đối với hàng thủy sản nhập khẩu được thực hiện theo các quy định tại các Thông tư về “kiểm dịch” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) bao gồm Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (TT26/2016), Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (TT36/2018) và Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT (TT11/2021) là chưa đúng bản chất của hoạt động kiểm tra này với nhóm sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm.
VASEP lập luận, với các Thông tư nêu trên, các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuỷ sản vẫn đang tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch. Theo đó, quy mô, số lượng lô hàng phải kiểm dịch là rất lớn khi gần như 100% các container hàng phải kiểm tra trước khi thông quan.
Các danh nghiệp thủy sản kiến nghị gỡ vướng về kiểm tra nhập khẩu tồn tại 6 năm qua.
Theo nhận định của VASEP, việc duy trì mở rộng các đối tượng, danh mục “hàng chế biến” làm thực phẩm phải kiểm dịch được quy định tại 3 Thông tư trên là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành.
VASEP cho biết, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã có các Nghị quyết 19 và 2 về cắt giảm danh mục kiểm tra, quản lý rủi ro, hậu kiểm… Trong đó có quyết nghị ghi rõ việc rà soát, sửa đổi nội dung kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu, phân biệt kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, đi ngược lại với các Nghị quyết của Chính phủ, từ 2010 đến nay, càng về sau thì đối tượng “kiểm dịch” và chỉ tiêu “kiểm dịch” trong danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải “kiểm dịch” càng mở rộng hơn mà không có sự thay đổi đáng kể nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.
Đồng thời thủ tục kiểm dịch tại khâu nhập khẩu vừa phải làm online, vừa phải nộp hồ sơ giấy khiến thời gian chờ kết quả thông quan kéo dài, DN tốn thêm thời gian, nhân lực, chi phí cho việc thông quan lô hàng.
Sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu là một hoạt động bổ sung năng lực cung ứng của Việt Nam đã được ghi nhận trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển thuỷ sản Việt Nam đến 2030. Việc quy định bất cập như trên, không áp dụng quản lý rủi ro, đã và đang gây nhiều ách tắc cũng như chi phí tuân thủ rất lớn của xã hội.
Từ việc phân tích những bất cập trên, VASEP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bãi bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.
Bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thuỷ sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô… dùng làm thực phẩm cho người).
Tối ưu hoá các quy định về kiểm dịch với thuỷ sản sống, tươi, ướp lạnh là đối tượng chủ yếu lây lan dịch bệnh thủy sản trên nguyên tắc là vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh nhưng cũng vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế và các nguyên tắc kiểm dịch nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu chính như EU, Mỹ…
Ngoài ra, VASEP đề xuất sớm hoàn tất việc số hóa thủ tục kiểm dịch nhập khẩu để đưa các thủ tục này lên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, không bắt buộc DN phải nộp hồ sơ giấy.
Sửa đổi 3 Thông tư gồm Thông tư 26/2016, Thông tư 36/2018 và Thông tư 11/2021 của Bộ NNPTNT ngay trong Quý I/2022 để phân định rõ hoạt động kiểm tra nhập khẩu phù hợp với các danh mục sản phẩm khác nhau.
Theo Doanhnghiepvn.vn