Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, được thực hiện với gần 70.000 người lao động và hơn 21.500 doanh nghiệp/hộ kinh doanh.
Tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp được chỉ ra qua khảo sát khi có gần 32,5% doanh nghiệp là diện “tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ hết đợt dịch bùng phát”, gần 2,5% doanh nghiệp “buộc phải đóng cửa do có người bị mắc COVID-19” và hơn 6% doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động theo yêu cầu khi áp dụng Chỉ thị 15, 16/16+ của các tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Tác động của dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch khiến doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỉ lệ này chiếm hơn 35%. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn, vì các doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các đơn hàng.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và chỉ còn dòng tiền để duy trì “ít hơn 1 tháng” chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần với các doanh nghiệp đang “duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”. Ban IV cho rằng, nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do cạn nguồn tiền.
Khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19, khi được hỏi về thời gian dự kiến đóng cửa tạm thời trong bao lâu, nhiều đơn vị cho biết “không dự tính được”. Điều này cho thấy các doanh nghiệp hiện khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên liệu hay các kế hoạch khác dù trong ngắn hạn.
Công ty TNHH Thương mại Ngọc Quý (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có hơn 150 lao động. Do không đáp ứng đủ tiêu chí áp dụng “3 tại chỗ” theo quy định nên doanh nghiệp đã ngưng hoạt động từ giữa tháng 7 cho đến nay. Để giữ chân người lao động, mỗi tháng doanh nghiệp vẫn phải chi hơn 1,7 tỷ đồng trả lương cũng như đóng bảo hiểm xã hội cho toàn bộ công nhân.
Ông Lê Minh Đức- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Quý cho biết, là doanh nghiệp chuyên cung cấp mặt hàng may mặc cho đối tác nước ngoài. Kể từ ngày ngưng hoạt động do dịch thì đối tác đã đơn phương chấm dứt hợp đồng do công ty không cung ứng hàng hoá theo yêu cầu. Kể từ đó, doanh nghiệp ông Đức trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi nguồn thu gần như không có, trong khi đó vẫn phải bảo đảm các khoản chi phí cố định như tiền lương tối thiểu cho công nhân, tiền bảo hiểm xã hội, chi phí mặt bằng, bảo hành hệ thống máy móc sản xuất… “Với các nguồn phí bỏ ra đó đã khiến doanh nghiệp của tôi khó khăn chồng chất. Khi dòng tiền cạn, tôi lo khó trụ vững dài ngày”, ông Đức lo lắng.
Ngay sau khi biết được thông tin Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68, ông Đức và các cộng sự rốt ráo chuẩn bị đầy đủ mọi hồ sơ, giấy theo yêu cầu, với mong muốn được hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn lúc này. Thế nhưng sau khi xem xét các điều kiện vay thì công ty không thể đáp ứng.
Cụ thể, theo ông Đức doanh nghiệp muốn vay theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo yêu cầu thì doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Doanh nghiệp phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn và có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh….
“Trong khi theo pháp luật về thuế, doanh nghiệp có thể quyết toán thuế chu kỳ 3-5 năm và không bắt buộc quyết toán từng năm. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi rất khó khăn về tài chính. Nên việc yêu cầu doanh nghiệp phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một quy định chưa hợp lý. Cộng với điều kiện của ngân hàng đưa ra nên hầu hết các công ty đều gặp khó, do đa phần doanh nghiệp hiện nay đều rơi vào tình trạng nợ ngân hàng. Không có nguồn vốn hỗ trợ đã khiến doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn”, ông Đức cho hay.
Không có nợ xấu là một trong những điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Thanh Hảo- Giám đốc Công Ty TNHH Chế Biến Thủy Hải Sản Tâm Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì doanh nghiệp thủy sản đều gặp khó khăn chung từ khâu nguyên liệu, vận chuyển, xuất khẩu…
Do đó các doanh nghiệp thuỷ sản chỉ mong được nhà nước hỗ trợ giãn thời gian trả lãi cho ngân hàng, còn các gói hỗ trợ khác nhau của Chính phủ trong thời gian qua thì doanh nghiệp không trông mong tiếp cận, nguyên nhân chính cũng là do thủ tục quá nhiêu khê.
Theo bà Hảo, dịch COVID-19 bùng phát mạnh từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến hàng chục ngàn lao động tại các doanh nghiệp bị mất việc, giãn việc, các doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời thậm chí giải thể. Ngay sau đó, Chính phủ đã phê duyệt các gói hỗ trợ 62.000 tỷ hay 26.000 tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên những doanh nghiệp nhỏ như cơ sở của bà gần như không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ bởi lẽ có quá nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, làm mất thời gian của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo bà Hảo, các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được các gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt nên không phù hợp với doanh nghiệp nhỏ. “Những gói hỗ trợ thời gian vừa qua, doanh nghiệp tôi gần như không thể tiếp cận được. Chỉ kéo giãn thời gian trả lãi ngân hành thì có, còn tất cả các gói hỗ trợ rất khó, gói hỗ trợ công nhân cũng không được, nợ bảo hiểm xã hội cũng không được”, bà Hảo cho hay.
Theo bà Hảo, hiện các doanh nghiệp đang mong muốn trong thời gian tới Nhà nước cần nới lỏng ra những phần siết chặt quá không thì doanh nghiệp thật sự khó khăn để tiếp cận. “Nếu được nới lỏng các điều khoản quy định, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm hiện nay, hạn chế “đứt gãy” chuỗi cung ứng, tạo ra sản phẩm giá trị cho xã hội”, bà Hảo nói.
Nóng lòng được mở cửa trở lại
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện nay tại nhiều tỉnh thành, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bước sang tuần thứ hai của tháng 9, các doanh nghiệp đã rất lo lắng khi chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng với nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng, từ đó công ty bị phá sản. Ngay lúc này, nhiều doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng sớm được mở cửa kinh doanh trở lại để có thể tồn tại.
Ông Lê Minh Đức cho biết, trước đó cơ quan chức năng dự kiến dịch bệnh kéo dài từ 3 đến 6 tháng, giờ đã kéo dài gần 2 năm và khi giãn cách xã hội chỉ dự trù trong vòng 1 tháng nhưng giờ đã bước sang tháng thứ 3… hiện nhiều doanh nghiệp như ông đang ở ngưỡng không thể tiếp tục cầm cự.
Theo ông Đức, việc đóng cửa giãn cách xã hội tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã khiến “nguồn oxy” dự trữ của doanh nghiệp trở nên cạn dần. Và để cứu doanh nghiệp, cần sớm có phương án cho mở cửa nền kinh tế trở lại.
“Đặc thù của dệt may là theo mùa và mùa này đơn hàng cận Tết khá dồi dào. Do đó, doanh nghiệp chúng tôi đang mong mỏi từng ngày thành phố nới lỏng những quy định để doanh nghiệp có thể mở máy, sản xuất trở lại. Và khi chính quyền cho phép mở cửa, doanh nghiệp chúng tôi cam kết chấp hành nghiêm mọi quy định phòng dịch theo chỉ đạo của thành phố và hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Đức nói.
Ông Đức cho biết thêm, nếu thành phố bước vào giai đoạn bình thường mới thì giai đoạn đầu, doanh nghiệp ông sẽ bố trí cho tầm 80/150 công nhân làm việc và tăng dần khi dịch bệnh có dấu hiệu giảm. Có như vậy, doanh nghiệp mới có hy vong khôi phục lại sản xuất sau một thời gian dài ngưng hoạt động.
Và để hỗ trợ doanh nghiệp sau khi hoạt động trở lại, ông Đức cũng mong muốn Chính phủ tiêm đầy đủ vaccine cho người lao động. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp được miễn giảm 100% phí bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp trong thời gian đại dịch doanh nghiệp phải dừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu của nhà nước. Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 được tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 3 tháng sau khi được gỡ bỏ giãn cách.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH may mặc Song Ngọc (TP Hồ Chí Minh) cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020 công ty đã thành lập ban phòng chống COVID-19 cho hơn 200 công nhân. Đến thời điểm này, Công ty Song Ngọc cơ bản đã thành công trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa sản xuất vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Tuy nhiên, hiện nhiều người lao động trong công ty mong muốn về nhà khi họ đã làm việc quá lâu. Chưa kể, nếu cứ làm theo phương án “3 tại chỗ” mãi thì doanh nghiệp cũng sẽ đuối sức, còn người lao động thì rất mệt mỏi, dẫn đến nhiều những tình huống xấu có thể xảy ra.
“Nếu TP Hồ Chí Minh nới lỏng hoạt động cho doanh nghiệp hoạt động trong tháng 9 này sẽ là tín hiệu rất đang hoang nghênh. Bởi hiện nay nguồn nguyên liệu tồn kho của doanh nghiệp đang cạn dần, nếu không mở cửa trở lại thì doanh nghiệp sẽ đứt gãy nguồn nguyên liệu đầu vào, dẫn đến không thể hoạt động “3 tại chỗ”, ông Trần Trường Sơn- Giám đốc Công ty may mặc Song Ngọc cho biết.
Nguồn: DNVN