Sản xuất tê liệt vì lao động không đến được nhà máy
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP xuất khẩu thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho biết: do điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo cho sản suất “ba tại chỗ” nên doanh nghiệp đã xin ngừng sản xuất hơn 2 tháng nay.
Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương đã được kiểm soát với 67/75 xã, phường được công nhận là vùng xanh, nên doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị chính quyền địa phương cho phép doanh nghiệp mở cửa sản xuất trở lại.
“Phương án của doanh nghiệp là thực hiện “4 xanh”: nơi ở xanh, lao động xanh, cung đường xanh, nhà máy xanh. Lao động ở vùng xanh di chuyển trên 1 cung đường đến nhà máy, nhà máy tổ chức test COVID-19 định kỳ cho công nhân và tổ chức sản xuất xanh đề công nhân có môi trường làm việc an toàn, đảm bảo phòng chống dịch. Thời gian đầu doanh nghiệp sẽ tổ chức phương tiện đưa, rước công nhân từ các điểm tập trung, khi nào dịch bệnh được đẩy lùi thì công nhân được đi bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, mặc dù chúng tôi đã gửi văn bản cho chính quyền địa phương hơn 1 tuần nay và đã có gọi điện trình bày đề xuất này với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nhưng cho tới nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi”, ông Kịch cho biết.
Theo ông Kịch nếu trong tháng 9 này mà doanh nghiệp không tái hoạt động được thì nguy cơ “đổ vỡ” chuỗi sản xuất là khó tránh khỏi vì mất thị trường, mất lao động.
Cũng do gặp phải khó khăn tương tự như vậy, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đã gửi công văn đến ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang kiến nghị địa phương cho phép lao động ở vùng xanh được đi đến nhà máy làm việc.
Ông Quang cho biết, hiện nay đang vào vụ thu hoạch tôm, cao điểm sản xuất phục vụ cho thị trường mùa Noel và Tết dương lịch nên Công ty đã lên kế hoạch huy động thêm công nhân để nâng công suất sản xuất lên mức 70%.
Công ty Minh Phú Hậu Giang đã tiêm vaccine mũi 1 cho gần 30% CBCNV được 24 ngày. Minh Phú Hậu Giang cũng đã thực hiện “xanh nhà máy” được UBND huyện Châu Thành phê duyệt phương án an toàn trong phòng chống dịch và sản xuất. Minh Phú Hậu Giang cũng đã thực hiện “lao động xanh”, thực hiện 5K, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho toàn bộ CBCNV 3 ngày/lần. Công nhân cũng cam kết suốt quãng đường đi từ nhà đến nhà máy chỉ theo 1 cung đường. Khi đến nhà máy công nhân được đo thân nhiệt, khử khuẩn, sát trùng. Minh Phú Hậu Giang cũng đã thực hiện “Y tế tại chỗ” để xử lý tất cả những tình huống phát sinh nguy cơ để đảm bảo an toàn của hệ thống phòng chống dịch.
Với sự chuẩn bị chu đáo và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Minh Phú Hậu Giang kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang cho phép doanh nghiệp được sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến, trong đó điểm đến thứ nhất là nhà máy Minh Phú Hậu Giang, điểm đến thứ hai là nhà ở công nhân.
Trao đổi thêm với Nhadautu.vn, ông Quang cho biết, nhà máy Thủy sản Minh Phú Hậu Giang tọa lạc tại khu công nghiệp Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang. Trong điều kiện bình thường, nhà máy thu hút trên 6.000 lao động, nhưng nay chỉ huy động được khoảng 25% làm việc theo phương án “ba tại chỗ”. Đa phần lao động tại nhà máy có nhà ở tại các tỉnh, thành giáp ranh với Hậu Giang như: Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long.
“Vùng xanh” nhưng vẫn nội bất xuất ngoại bất nhập
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang, thực hiện Quyết định số 2686/ QĐ-BCĐQG về đánh giá mức độ nguy cơ dịch COVID-19, tính đến thời điểm hiện tại địa phương có 67/75 xã, phường, thị trấn và 3 đơn vị hành chính cấp huyện là Ngã Bảy, Vị Thanh và Châu Thành A được công nhận là vùng xanh, vùng bình thường mới.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn số 02/ UBND-HD, ngày 5/9 của UBND tỉnh Hậu Giang về bảo vệ và mở rộng vùng xanh trên địa bàn, “vùng xanh” sẽ được kiểm soát theo nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”.
Người dân trong vùng xanh phải thực hiện nghiêm quy định 5K, trong giao tiếp, mua bán, trao đổi hàng hóa; khi giao dịch với bên ngoài phải thực hiện tại các chốt kiểm soát ra – vào “vùng xanh”.
Trường hợp người dân ra khỏi “vùng xanh” khi cần thiết phải có giấy xác nhận của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; khi trở về phải có giấy xác nhận test kháng nguyên âm tính trong thời gian không quá 72 giờ và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày, phải báo ngay cho y tế địa phương khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở… để kịp thời xử lý. Vùng xanh phải thiết lập chốt kiểm soát 24/24 giờ, tổ chức các điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bên trong, trường hợp không tổ chức được thì phải triển khai mô hình “đi chợ thay” cho người dân trong vùng xanh.
Như vậy, mặc dù được công nhận là vùng xanh, vùng bình thường mới nhưng người dân trong vùng xanh vẫn “ai ở đâu, ở yên đó” và như vậy thì đề xuất của doanh nghiệp cho phép công nhân từ vùng xanh đến nhà máy làm việc theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” không thể thực hiện được. Còn doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” thì cũng không thể vì cơ sở vật chất không đáp ứng, chi phí cao, nhiều công nhân không chấp nhận xa nhà để vào ở, làm việc dài ngày trong nhà máy.
Theo NĐT