Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp có nhiều bước để chuyển đổi số như: Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; giám sát sâu rầy thông minh, hệ thống quản lý tưới thông minh, ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu,…
Năm 2022, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025; phát triển nông nghiệp theo chuỗi đa giá trị, gắn kết với phong trào khởi nghiệp và sản phẩm OCOP, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ưu tiên quy hoạch phát triển năng lượng sạch, năng lượng mặt trời kết hợp mô hình chăn nuôi, trồng nấm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời điểm giá vật tư nông nghiệp tăng cao chính là cơ hội để thúc đẩy chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nếu cần thiết, tỉnh sẽ có chính sách riêng cho lĩnh vực này.
“Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, giúp nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, chuyển đổi tư duy sản xuất, luôn đổi mới, sáng tạo,… là những nhiệm vụ ngành nông nghiệp và Hội Nông dân phải tập trung trong năm mới này. Đây cũng chính là những nội dung được hai đơn vị ký kết phối hợp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Năm 2021, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 3,14%, tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế và đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh trong năm qua.
Theo baodansinh.vn