Đức: Phạt tới 5.000 euro nếu vi phạm liên quan đến cách ly
Theo Schengenvisainfo news, Đức đã áp dụng những hình thức phạt nặng ngay từ tháng 2.2021 khi số ca nhiễm trong nước vẫn còn ở mức khá thấp và số người tử vong không cao. Chẳng hạn, ở bang Berlin, những ai không giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m và bị các cơ quan hữu quan như cảnh sát phát hiện, sẽ bị phạt từ 100 euro đến 500 euro, tùy trường hợp. Đến nơi công cộng mà không đeo khẩu trang hoặc dùng vật dụng che phủ miệng và mũi khác phải trả tiền phạt từ 50 euro đến 500 euro.
Đặc biệt, các nhà chức trách sẽ phạt rất nặng những người không kiểm dịch theo quy định, và những người ra ngoài khi trong diện bị cách ly sẽ bị phạt đến 5.000 euro. Hình phạt lên đến số tiền tương tự đối với những ai tiếp khách trong thời kỳ bị cách ly.
Mặc dù tiền phạt thường khác nhau giữa các tiểu bang liên bang khác, nhưng chúng khá cao ở bất kỳ tiểu bang nào.
Thụy Sĩ: Phạt 10.000 CHF đối với vi phạm kiểm dịch
Hình phạt khắc nghiệt nhất của Thụy Sĩ có thể lên tới 10.000 CHF (1 CHF tương đương khoảng 1,1 USD) đối với những ai không tuân thủ nghĩa vụ kiểm dịch của nước này, trong khi hình phạt được áp dụng nhẹ hơn đối với bất kỳ người nào không tuân thủ các hạn chế như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
“Bất kỳ ai làm trái các biện pháp chống dịch đều là phạm tội; Những người không tuân thủ các quy tắc có thể bị phạt từ 50 đến 200 CHF, tùy thuộc vào hành vi phạm tội”, Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang Thụy Sĩ (FOPH) giải thích. Nó cũng chỉ ra rằng, bất kỳ ai không đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, trong nhà ga, tại bến xe buýt hoặc xe điện hoặc ngay bên ngoài các tòa nhà công cộng có thể bị phạt 100 CHF. Trong khi đó, những người tham gia các sự kiện được tổ chức bất hợp pháp bị phạt 100 CHF.
Vương quốc Anh: Phạt tiền và ngồi tù lên tới 10 năm
Theo các nhà chức trách, du khách vào Vương quốc Anh sẽ bị phạt một khoản tiền lớn và đối mặt với án tù kéo dài nếu vi phạm các quy định về Covid-19. Chẳng hạn, những người đến không tuân thủ luật cách ly sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10.000 bảng Anh (13.778 USD) và án tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, các hãng vận chuyển hành khách sẽ có nghĩa vụ theo luật để bảo đảm rằng hành khách đã đăng ký các thỏa thuận mới này trước khi họ đi du lịch, và sẽ bị phạt nếu họ không thực hiện. Bất kỳ ai nói dối trong biểu mẫu định vị hành khách và cố gắng che giấu rằng họ đã đến một quốc gia nằm trong “danh sách đỏ” trong vòng 10 ngày trước khi đến Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm.
Theo các quy định của xứ sở sương mù, khoản tiền phạt 1.000 bảng Anh sẽ được áp dụng đối với những ai không thực hiện xét nghiệm bắt buộc, khoản tiền phạt 2.000 bảng Anh đối với những người không thực hiện xét nghiệm bắt buộc lần hai cũng như gia hạn thời gian cách ly hai tuần và thêm một thông báo phạt cố định lên tới 5.000 bảng Anh.
Áo: Người vi phạm nhiều lần phạt 500 euro
Áo cũng áp dụng hình phạt tiền đối với những hành vi vi phạm quy tắc liên quan đến Covid-19, bao gồm cả du khách đến từ bên ngoài lãnh thổ của mình. Chẳng hạn, những người không tôn trọng quy tắc giữ khoảng cách 1 mét với người khác bị phạt 100 euro, trong khi những người không đeo khẩu trang hay khăn che mặt và mũi bị phạt 50 euro. Đặc biệt, người tái phạm có thể bị phạt tới 500 euro.
Mặc dù hình phạt có vẻ nhẹ so với các quốc gia khác, nhưng Áo thực sự khá “không khoan nhượng” với những người vi phạm. Trở lại vào cuối tháng 1 năm nay, cảnh sát Áo đã tìm thấy 96 du khách từ khắp châu Âu tại một khu nghỉ mát trượt tuyết vi phạm các quy định liên quan đến đại dịch về việc nhập cảnh vào nước này. Mỗi người trong số họ đã bị phạt tới 2.180 euro. Trong một trường hợp khác, vào tháng 11 năm ngoái, một người đã bị bỏ tù 7 tháng sau khi đi qua một số bang của Áo mặc dù bản thân dương tính với virus SARS-CoV-2 và phải có nghĩa vụ kiểm dịch.
Các quốc gia khác: Không có ngoại lệ với du khách
Trong thời kỳ dịch bệnh, nhất là trong những giai đoạn cao điểm căng thẳng, nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng áp dụng phạt tiền và các hình phạt nặng khác đối với tất cả mọi người, kể cả khách du lịch, vì các vi phạm như không đeo khẩu trang hoặc không giữ khoảng cách, tham quan các địa điểm bị cấm đối với du khách, tụ tập theo nhóm, vi phạm lệnh giới nghiêm ban đêm, …
Đặc biệt, các nước chú trọng đến hình phạt đối với du khách không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và đăng ký. Chẳng hạn ở Pháp, ai không xuất trình giấy chứng nhận du lịch theo trường hợp của họ, có sẵn trên trang web của Bộ Nội vụ Pháp, có thể phải chịu khoản phạt 135 euro. Một số quốc gia khác đặt ra yêu cầu bắt buộc đối với khách du lịch là phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi đến lãnh thổ của mình, phạt những người không đáp ứng yêu cầu này. Chẳng hạn, Bỉ là một trong những quốc gia liệt kê việc không có kết quả xét nghiệm Covid-19 là hành vi vi phạm có thể bị phạt 250 euro. Bồ Đào Nha cũng áp dụng hệ thống tương tự, chỉ khác là họ phạt thêm các hãng hàng không vận chuyển hành khách mà không kiểm tra. Bồ Đào Nha phạt bất kỳ ai đến quốc gia này từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu/không thuộc khối Schengen không thực hiện xét nghiệm RT-PCR âm tính, không quá 72 giờ, trong khoảng từ 500 euro đến 2.000 euro, trong khi các hãng hàng không vận chuyển hành khách mà không kiểm tra rủi ro bị phạt lên đến 3.000 euro.
Theo ĐBND