Hát quan họ tại Bảo tàng Áo dài
Khám phá di tích lịch sử
Chương trình đầu tiên nằm trong “Hành trình khám phá Sài Gòn – TP.HCM” là tour “Sài Gòn rong ca”. Tham gia tour này, du khách được đi xe bus 2 tầng ngắm nhìn thành phố với di tích Tượng đài Trần Hưng Đạo – Bảo tàng lịch sử – Bảo tàng chứng tích chiến tranh – phố Phạm Ngũ Lão – chợ Bến Thành – Dinh Độc lập – Nhà thờ Đức Bà – Nhà hát Thành phố – phố đi bộ Nguyễn Huệ – bến Nhà Rồng. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức chương trình văn nghệ theo ngẫu hứng rong ca Sài Gòn trên xe. Điểm thú vị là du khách còn trải nghiệm đi xe bus trên sông ngắm nhìn sông Sài Gòn và tòa nhà cao nhất Việt Nam “Landmark 81” và thưởng thức ẩm thực Nam bộ.
Chương trình thứ 2 là tour “Sài Gòn di sản trăm năm”. Du khách sẽ được khám phá nét đẹp văn hóa, kiến trúc, lịch sử Sài Gòn – TP.HCM qua các công trình di sản độc đáo, nổi bật từ Khách sạn cổ “Continental Palace” – biểu tượng kiến trúc đậm chất Pháp sang trọng và “Thượng Công Miếu” – biểu tượng của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa trong chặng đường gần 325 năm tuổi từ Sài Gòn – Gia Định “Hòn Ngọc Viễn Đông” đến TP.HCM với Cột cờ Thủ Ngữ 157 – Dấu tích Cổng Thành Ông Dèm – Lăng Ông Bà Chiểu. Tìm về Chợ Lớn thời quá khứ với các Hội quán, đền chùa (Chùa Bà Thiên Hậu – Chùa Ông) được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia như chưa từng bị lãng quên với cộng đồng người Hoa, người Sài Gòn xưa và nay.
Đoàn du khách viếng thăm Lăng Ông Bà Chiểu tại TP.HCM
Tour “Biệt động Sài Gòn” là chương trình thứ 3 trong “Hành trình khám phá Sài Gòn – TP.HCM”. Với những di tích lịch sử gắn với đội biệt động Sài Gòn năm xưa, trải nghiệm cuộc sống thường ngày của các chiến sĩ biệt động như truy tìm mật thư, vào hầm trú ẩn, hầm nổi, kho vũ khí bí mật, bảo tàng Tình báo biệt động Sài Gòn – Gia Định. Bên cạnh đó du khách còn trải nghiệm đi thang máy từ thời Pháp thuộc độc nhất còn được lưu giữ lại; Bảo tàng thông minh với bàn xoay kỳ diệu, kính thực tế ảo VR cùng các hiện vật trong hoạt động tình báo còn được lưu giữ lại tại bảo tàng… Đặc biệt, du khách còn được nghe kể chuyện thú vị về chiếc xe Solex cổ đặc biệt của chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (người mang hàng tấn vũ khí tấn công vào Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Ngoài việc tham quan, thưởng lãm, nghe những câu chuyện lịch sử, du khách còn được thưởng thức cà phê bơ ăn cùng giò cháo quẩy – món ăn đặc biệt của người Sài Gòn xưa mà không nơi đâu có, cơm tấm Đại Hàn….
Bà Đoàn Thị Thanh Trà (Giám đốc Tiếp thị – Truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist) cho biết, những tour du lịch này phục vụ du khách vào thứ bảy, chủ nhật từ 19-3 với hành trình nửa ngày hoặc 1 ngày phù hợp cho cả gia đình hay nhóm bạn bè đi cùng nhau. “Trong mỗi hành trình cùng thông điệp “Tôi yêu Sài Gòn”, chúng tôi mong muốn mỗi du khách đều cảm thấy gắn bó, thêm yêu Sài Gòn – TP.HCM bằng đôi mắt rộng mở với biết bao đổi thay của thành phố”.
Giới thiệu di sản vật thể đến du khách
Bên cạnh nhiều giải pháp được những người làm du lịch đề xuất, hiến kế nhằm thu hút khách quốc tế trở lại TP.HCM từ 15-3, có ý kiến cần giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận phục vụ du khách.
Một đoàn khách quốc tế đến thăm biệt động Sài Gòn
Sau dịch Covid-19 tâm lý của người đi du lịch có nhiều thay đổi. Cho nên ngành du lịch TP.HCM cần có nhiều chương trình để thu hút khách đến Việt Nam – một đất nước hồi sinh, một đất nước đã vươn lên, tương trợ, chia sẻ với nhau để vượt qua đại dịch. Khi đó, du khách đến TP.HCM khi chỉ để tham quan mà còn có thể ăn những món ăn dân gian, mặc áo dài. Đặc biệt, cho khách thưởng thức những di sản văn hóa đại diện cho nhân loại để được an dưỡng về tinh thần như: nghe đờn ca tài tử, hát ru…
“Chúng tôi từng chứng kiến nhạc sĩ Huỳnh Khải dạy khách Đài Loan hát đờn ca tài tử trong không gian Bảo tàng Áo dài, từng chứng kiến khách Hàn Quốc hát bài “Bèo dạt mây trôi”… rất hay. Đó là những sản phẩm chúng ta có thể chào khách quốc tế”, bà Huỳnh Ngọc Vân đề xuất. |
Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài, TP.Thủ Đức) cho biết: “Mới đây, chúng tôi đã thử với một đoàn khách của Công ty TST Tourist trình diễn hát ru và du khách rất thích thú. Sau buổi hát ru đó, những tour du lịch khác dù không phải của công ty này nhưng khi nghe chúng tôi chào dịch vụ hát ru người ta rất thích vì được an ủi về tinh thần, được hát và nghe hát ru. Có những đoàn khách, khi nghe một người đại diện hát ru, được 7-8 người khách trong đoàn hưởng ứng. Chứng tỏ họ có nhu cầu về hát ru và nghệ thuật này đã an ủi được họ”, bà Vân khẳng định.
Theo bà Vân, hát ru của Việt Nam cũng được phục vụ cho khách quốc tế. “Khi chúng tôi hát ru, sau đó dịch ra tiếng nước ngoài, du khách nghe và chợt nhớ ra rằng nước mình cũng có hát ru. Họ rất hưởng ứng và có những chia sẻ thật xúc động về loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thử chương trình hát quan họ trên thuyền, giữa người hát và người nghe đứng rất xa nhưng khi phiên dịch, khách nước ngoài vẫn nghe được và cảm nhận được sự lãng mạn của loại hình nghệ thuật hát quan họ”, bà Vân chia sẻ.
Theo bà Vân, chúng ta nên sử dụng những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là đại diện cho nhân loại như: Quan họ, ví dặm, đờn ca tài tử… để có thể an ủi tinh thần cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo GDTP