Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 40 – 45%. Vì vậy để phát triển ngành thủy sản, ông Quang cho rằng cần tập trung nhiều hơn trong việc phát triển con tôm, bao gồm từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, xuất khẩu, giúp con tôm Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.
Ông Quang chỉ ra một số vấn đề tồn tại hiện nay đã làm cho ngành tôm Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia nuôi tôm khác như Ấn Độ, Ecuador.
Ấn Độ và Ecuador đầu tư bài bản, tái cấu trúc toàn diện từ thời vụ đến mật độ thả nuôi, quy trình kỹ thuật và công nghệ đồng bộ nên giá thành giảm trong khi giá trị nâng lên, lợi nhuận cao.
Trong khi đó, ngành tôm Việt Nam mất 10.000 tỷ đồng vì thói quen nuôi tôm có sử dụng kháng sinh của người dân. Chi phí này bao gồm tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Đây là khoảng chi phí không nhỏ và kéo dài hàng chục năm qua. Chi phí kiểm kháng sinh ở các nước nhập khẩu mà doanh nghiệp phải chịu và bị trừ vào giá bán.
Việc thiết lập tiêu chí trong sản xuất tôm giống để kiểm soát chất lượng hầu như bị bỏ ngỏ. Trong đó việc kiểm soát bằng PCR là cần thiết để tầm soát dịch bệnh. Trong điều kiện hiện nay bao nhiêu doanh nghiệp làm được quy trình, tiêu chí như thế? Rồi từ con giống mình mới suy ra thuốc men, vi sinh, thức ăn, chế phẩm… cũng bát nháo như con giống vậy. Ví dụ như thức ăn, nhập nguyên liệu cá về tốt thì sẽ tạo ra được đợt thức ăn tốt. Nhưng có nơi nhập nguyên liệu cá về không tốt thì bỏ cái đạm công nghiệp vô là chết rồi.
Do tiêu chuẩn thấp, sản xuất ra sản lượng không ổn định, sản xuất 10 mà không đạt toàn bộ, chỉ có 5 – 7 đạt tiêu chuẩn thôi. Nên sản lượng không ổn định, giá cao hơn nhiều đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ và Ecuador tới khoảng 23.000 đồng/kg.
Chính phủ mạnh tay với kháng sinh, kiểm kháng sinh liên tục và thường xuyên ở vùng nuôi, nếu phát hiện kháng sinh phải hủy ao tôm đó ngay thì mới dẹp được thói quen dùng kháng sinh của người dân.
Ông Quang cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ và xử lý thật mạnh tay với công ty và người bán thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh… có trộn kháng sinh là cắt giấy phép kinh doanh và xử lý hình sự.
Ông Quang kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế được hợp tác công tư trong vấn đề gia hóa cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú và tôm bố mẹ thẻ chân trắng để tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của từng vùng miền của Việt Nam.
Sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường của từng vùng miền của Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80% (hiện tại tỷ lệ thành công của nuôi tôm Việt Nam dưới 40%).
Xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú – lúa, tôm sú thâm canh, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao với giá thành thấp phù hợp với từng vùng miền của Việt Nam.
Dư địa của ngành tôm quá lớn với Việt Nam bởi ta có bờ biển dài, có diện tích xâm nhập mặn lớn, có nguồn lực lao động dồi dào. Trong khi đó, ngành tôm thế giới tăng trưởng cơ học hằng năm từ 7 – 10% và tiêu thụ ổn định… Nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất của ngành tôm một cách bài bản và đồng bộ, tận dụng diện tích xâm nhập mặn từ biến đổi khí hậu để mở rộng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đáp ứng cho việc sản xuất tôm công nghệ cao thì chinh phục con số 10 tỉ USD sẽ dễ dàng.
Theo doanhnghiephoinhap.vn