Giá vàng thế giới và trong nước chiều 16/12/2021 tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Hao Su
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố sẽ dần dần thắt chặt cung tiền ra nền kinh tế. Cụ thể, cơ quan này cho biết đặt kỳ vọng sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022, 2 lần trong năm 2023 và 2 lần nữa trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Fed cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình giảm mua trái phiếu hằng tháng. Trong đó, Fed đã giảm mua tài sản khoảng 15 tỉ USD trong tháng 11 và sẽ nâng mức giảm lên 30 tỉ USD trong tháng 12.
Chia sẻ trong buổi họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: “Các diễn biến kinh tế và sự thay đổi trong triển vọng kinh tế buộc chính sách tiền tệ phải thay đổi, nhưng vẫn sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế”.
Trước đó, giới phân tích cho rằng, nếu Fed thắt chặt tiền tệ đúng như dự báo thì vàng sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, Fed thắt chặt hơn dự báo mà vàng vẫn tăng giá. Nguyên nhân giúp giá vàng đi lên lại nằm ngoài cuộc họp của Fed cũng như phạm vi nước Mỹ mà nằm ở nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.
Cụ thể, Trung Quốc vừa công bố số liệu chi tiêu tiêu dùng của người dân trong tháng 11 đã tăng thấp hơn dự báo, khiến chuyên gia cảnh báo sự gia tăng số ca mắc mới Covid-19 tại nước này đang làm giảm đà phục hồi của đất nước tỷ dân này.
Doanh số bán lẻ trong tháng 11 của Trung Quốc chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn rất nhiều mức tăng 4,9% của tháng 10 và cũng thấp hơn cả dự báo trước đó. Tăng trưởng GDP quý 3/2021 của Trung Quốc cũng chỉ đạt 0,2% so với quý 2/2021, là quý tăng thấp nhất kể từ quý 1/2020 – trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Nguyên nhân chính dẫn đến nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới trì trệ bởi giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, còn thị trường bất động sản gặp khó khăn sau cú “sốc” của Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn nhất nước này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị tại Trung Quốc cũng tăng nhẹ lên 5% trong tháng 11, chỉ có sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của thị trường.
Chuyên gia dự báo, khi chi tiêu của người tiêu dùng giảm trong tháng 11 và có thể còn giảm trong những tháng tới, kể cả dịp Tết Nguyên Đán, bởi chính quyền một số tỉnh/thành phổ của nước này đã khuyến khích người dân hạn chế đi lại không cần thiết và siết chặt biên giới. Điều này có thể làm chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy khiến đà phục hồi kinh tế chậm lại. Kinh tế Trung Quốc bị tổn thương cũng sẽ làm nhiều nền kinh tế khác trên toàn cầu phục hồi chậm lại khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị hạn chế, đứt gãy. Đây chính là nguyên nhân khiến giới đầu tư tiếp tục mua vàng đề phòng rủi ro khi kinh tế tiếp tục gặp khó khăn.
Trên thị trường trong nước, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 60.850 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,570 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 60,750 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,450 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 60,880 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,440 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 60,900 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,450 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo Tieudung.vn