Một lít xăng “gánh” hơn 9.400 đồng tiền thuế
Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm góp phần kiềm chế lạm phát tới đây. Theo đó, nếu giảm 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại (từ ngày 1.4.2022 đã giảm 50% – PV), sẽ giảm thêm từ 1.000 đồng/lít đối với dầu và 2.000 đồng/lít với xăng. Thế nhưng, theo tính toán của chuyên gia, 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại “không đáng là bao” nếu so với các loại thuế phí khác đang đánh vào giá xăng dầu bán lẻ, chiếm đến hơn 34%.
Mua mỗi lít xăng, người tiêu dùng phải trả hơn 9.000 đồng tiền thuế các loại. Ảnh: Ngọc Dương |
Cụ thể, mỗi lít xăng RON95-III có giá bán lẻ hiện hành là 32.370 đồng/lít. Trong đó, giá nhập về đến cảng là 22.389 đồng. Từ đây, giá được cộng thêm: thuế nhập khẩu 10% là 2.239 đồng (lấy tròn số), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là 2.239 đồng, thuế giá trị gia tăng 10% (trên giá bán) là 2.943 đồng, thuế bảo vệ môi trường với xăng 2.000 đồng, số còn lại là các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn. Như vậy, riêng 4 loại thuế nói trên, một lít xăng bán ra, người tiêu dùng đã phải trả hơn 9.400 đồng, tương đương hơn 29%. Nếu cộng thêm các chi phí kinh doanh, lợi nhuận và trích lập quỹ, tổng cộng các loại thuế phí đánh vào một lít xăng chiếm hơn 34%. Tức là, nếu mua 100.000 đồng tiền xăng, người tiêu dùng phải gánh hơn 34.000 đồng các loại thuế phí. Còn nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và tạm ngưng thu thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu, giá xăng từ hơn 32.000 đồng sẽ về khoảng 23.000 đồng/lít. Đây là mức giá xăng “trong mơ” cho người dân trong bối cảnh hiện nay.
Đó là chưa nói công thức tính thuế đối với mặt hàng xăng dầu có dấu hiệu thuế chồng thuế. Chẳng hạn, thuế giá trị gia tăng đánh 10% trên giá bán ra, mà trong rổ “giá bán” đã bao gồm các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) nhận định thuế bảo vệ môi trường sau khi giảm 50% từ ngày 1.4 vừa qua, nay chỉ còn 1.000 – 2.000 đồng/lít xăng dầu. Giả sử có giảm thì cũng chỉ mang tính tạm thời, hết năm nay lại thu trở lại. Thế nên, một loại thuế cần loại bỏ hẳn đối với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu là thuế tiêu thụ đặc biệt. “Vấn đề này tôi đề cập nhiều trước đây, xăng là mặt hàng thiết yếu, hầu như phải sử dụng hằng ngày và người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải mua để sử dụng nên không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với những mặt hàng không khuyến khích sử dụng. Còn lại, cần giảm nữa là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… Như vậy, riêng 3 loại thuế vừa đề cập, người tiêu dùng đã đóng hơn 7.000 đồng/lít xăng dầu. Hiện nay, giá xăng thế giới đang tăng, giá nhập khẩu sau mỗi 10 ngày đều tăng cao hơn kỳ trước, bằng chứng là giá xăng trong nước có 6 lần tăng liên tiếp. Giá nhập khẩu càng tăng, 3 loại thuế nói trên càng tăng theo tỷ lệ thuận. Đây chính là gánh nặng thực sự cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế trong thời gian tới”, ông Thế Anh nhấn mạnh.
Cần chính sách kịp thời
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí phía nam chiều 14.3, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu mà chỉ trông chờ vào nhà máy lọc dầu trong nước là “chưa hết khó khăn”. Trong thực tế, Bộ phải chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu để bù vào khoản thiếu hụt do nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất. Việc giải quyết để bảo đảm nguồn cung thị trường trong nước trong 2 quý đầu năm cơ bản đã được thực hiện tốt, nhưng quý 3 và quý 4 vẫn còn nhiều khó khăn cần điều hành linh hoạt. Để chủ động nguồn cung, Bộ đã chỉ đạo các công ty đầu mối tăng sản lượng nhập khẩu lên. Thế nên, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang leo thang thì giá trong nước khó bảo đảm giảm được.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc kiềm chế mức tăng giá xăng dầu không thể là câu chuyện của một bộ nào mà ở tầm Chính phủ. Phải có và tiếp tục duy trì chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp để giảm nhiệt giá xăng. Trước đó, một trong những chỉ đạo quan trọng của Phó thủ tướng Lê Minh Khái trong cuộc họp với các bộ ngành đã nhấn mạnh: Việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới hết sức linh hoạt, sử dụng quỹ bình ổn hợp lý. Triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu cần thiết, không để bị động.
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng dưới góc độ quản lý thuế, xăng cho dù là mặt hàng tiêu thụ hằng ngày, nhưng vào nhóm không khuyến khích sử dụng và cần tiết kiệm, nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng là hợp lý. Còn mặt hàng dầu xưa nay không có thuế tiêu thụ đặc biệt vì dầu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thế giới biến động liên tục, đe dọa đến lạm phát, Chính phủ nên xem xét, cân đối giữa lợi ích nhà nước với quyền lợi nhân dân để giảm các loại thuế đánh vào giá xăng lúc này. Cụ thể, giảm từ nay đến cuối năm hoặc giảm từ 3 – 6 tháng với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng… Nếu mạnh dạn và dũng cảm cân đối nguồn thu, giảm mạnh thuế đánh vào mặt hàng xăng lúc này, sức khỏe của nền kinh tế hy vọng sẽ tốt hơn, khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn. Quan trọng hơn, giảm thiểu được nguy cơ lạm phát, ông Thịnh nhận định.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết giảm thuế là cách mà nhiều quốc gia châu Âu, châu Á đang áp dụng để kìm đà tăng của giá xăng dầu. Mới đây, chính phủ Thái Lan đã tiếp tục gia hạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel thêm 2 tháng là tháng 6 và tháng 7.2022, bên cạnh đó, người dân nước này được trợ cấp tiền mặt hằng tháng từ 45 baht lên 100 baht/tháng khi mua gas. “Một chính sách đúng là chính sách được đưa ra kịp thời. Chúng ta chỉ còn 6 tháng nữa để vừa phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô, kìm lạm phát. Giá xăng trong nước đang cần những công cụ kịp thời để hạ nhiệt càng sớm càng tốt”, ông Thịnh chia sẻ.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô VN tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào đầu tuần này cũng đưa ra khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát khi giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên. Tổ chức này đánh giá cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải. Những yếu tố này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra. Thế nên, VN cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng, trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính… là các biện pháp tạm thời nhằm giảm khó khăn và kiềm chế lạm phát. |
Theo Nguyên Nga/TNO