Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, vận tải hành khách tháng 2 năm nay ước đạt 285,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 13,1% so với tháng trước và luân chuyển 11,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10%. Nhưng, tính chung 2 tháng đầu năm, vận tải hành khách chỉ đạt 538,5 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 21,1%) và luân chuyển 21,3 tỷ lượt khách.km, giảm 27,2% (cùng kỳ năm trước giảm 28,8%).
Trong khi, vận tải hàng hóa tháng 2 ước đạt 166,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 4,4% so với tháng trước và luân chuyển 31 tỷ tấn.km, giảm 4,9%. Tính chung 2 tháng, vận tải hàng hóa đạt 341,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,7%) và luân chuyển 63,6 tỷ tấn.km, tăng 9,9% (cùng kỳ năm trước tăng 4,2%).
Câu chuyện tăng giá xăng, dầu trong thời gian qua chính là từ khóa “hot” khiến nhiều doanh nghiệp phải quan tâm, trong đó có các doanh nghiệp vận tải. Mặc dù đang trong quá trình phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng việc giá xăng, dầu tiếp tục tăng và có thể vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít khiến nhiều doanh nghiệp vận tải đau đầu và cảm thấy “đuối sức”.
Trao đổi với PV, anh Cường, đại diện Công ty TNHH Vận tải Thống Nhất cho biết, là doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp. Hàng tháng doanh nghiệp phải chi gần chục tỷ đồng tiền xăng, dầu cho hơn 60 xe gồm xe ben, máy xúc, máy đào…. Đó là chỉ tính riêng cho ở trong TP.HCM, còn ngoài Bắc thì có nhiều xe vận tải hàng hóa đông lạnh hơn.
“Hiện nay, nếu chỗ thân thiết, quen biết thì doanh nghiệp phải bù 1.000 đồng/lít. Ngày xưa dầu còn được chiết khấu nhưng bây giờ thì không. Nhiều khi còn phải tranh nhau để mua, thậm chí còn không có mà mua.
Do biến động thị trường giá dầu, doanh nghiệp bây giờ phải gửi công văn xin điều chỉnh đơn giá với chủ đầu tư, tổng thầu. Thêm vào đó là phải tính kế dự trự hàng hóa bằng cách đặt cọc trước, đảm bảo nguồn cung hàng hóa của mình không bị gián đoạn trong quá trình lao động, sản xuất. Nói chung là bây giờ cố mà gồng gánh để vượt qua giai đoạn này”, anh Cường ngao ngán kể lại.
Tương tự, một doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM cũng cho biết, mỗi tháng công ty sử dụng khoảng 100.000 lít dầu cho xe vận tải. Với mức giá này, công ty đang gánh thêm khoảng 800 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí nhiên liệu khác cũng leo thang 40% so với năm ngoái.
“Việc tăng giá xăng, dầu trong suốt thời gian dài, chưa kể nhiều loại chi phí khác như lắp camera giám sát vận tải cho toàn bộ đội xe, đã làm sức khỏe doanh nghiệp vốn đã yếu vì dịch bệnh nay lại càng trầm kha. Nếu không điều chỉnh giá cước, chắc chắn doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ”, vị lãnh đạo công ty chia sẻ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải khác nhận định, tình hình giá xăng dầu tăng đột biến đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành vận tải nói riêng. Nếu như trước đây, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35 – 40% cơ cấu giá thành vận tải, thì hiện nay khi giá xăng tăng cao, tỷ lệ này đã gần 50%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Thạch Bàn cho biết, tâm trạng của ông đang rối bời vì công ty có hơn 100 nhân viên bị F0, nhiều đầu việc bị ngưng trệ. Cộng thêm giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua khiến công ty đang đứng trước tình cảnh nguy nan.
“Công ty đang thiếu tiền, phần lớn công nhân bị dương tính, mọi công việc đang bị dừng lại. Rồi tình hình giá xăng, dầu tăng cao khiến công ty gặp vô vàn khó khăn. Tôi thật sự đang rất bối rối và lo lắng cho công ty”, ông Cường bày tỏ.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng khiến các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 35-40%, còn các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, bảo trì đường bộ, BOT…
“Sức khỏe” của các doanh nghiệp vốn đã suy giảm nghiêm trọng kể từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, nay lại càng khó khăn hơn khi giá xăng, dầu tiếp tục “nhảy múa”.
Theo NĐT