Ồ ạt rút tiền sau tin đồn
Ngày 9.10, Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh kinh tế – Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam đã làm việc với Nguyễn Kiên Quyết (SN 1982), trú tại TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Theo đó, đối tượng này đã sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc hàng loạt người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng, từ đó tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Cụ thể, bài đăng của Quyết trên Facebook có nội dung: “Ai gửi tiết kiệm ngân hàng nhanh chân rút về mua đất ngay còn kịp nhé. Không là không có tiền rút”, kèm theo đó là hình ảnh người dân tập trung đông tại các phòng giao dịch, chi nhánh của Ngân hàng SCB.
Những thông tin lan truyền nhanh chóng mặt đến mức Ngân hàng Nhà nước phải ra thông cáo khuyến nghị người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
Đây không phải lần đầu người dân ồ ạt đi rút tiền sau những tin đồn và biến động. Năm 2014, trong ngày đầu tiên cơ quan cảnh sát điều tra thông tin lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh – cũng là nhân sự chủ chốt của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) – bị bắt, VNCB đã bị rút khoảng 1.000 tỉ đồng và tiếp tục bị rút ra trong ngày kế tiếp, song khối lượng đã giảm xuống 50%.
Hay trước đó, trong năm 2012, sau khi bầu Kiên bị bắt, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo trấn an người gửi tiền tại ACB hoàn toàn yên tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi đó cho hay theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, trường hợp cần thiết, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống.
Cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi
Ngay sau sự việc người dân ồ ạt đi rút tiền ở SCB, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đơn vị này sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục đảm bảo hoạt động liên tục và ổn định cho SCB, đồng thời cũng sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại SCB.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB” – ông Đào Minh Tú nói.
Trả lời về câu hỏi, vấn đề đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và đặc biệt là an toàn của hệ thống ngân hàng sẽ được đảm bảo như thế nào trong mọi tình huống, Phó Thống đốc cho biết, an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua.
Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung cũng như của Ngân hàng SCB; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng.
“Chúng tôi cũng mong rằng, những người gửi tiền, những khách hàng vay vốn tại SCB sẽ tiếp tục hợp tác trên tinh thần tích cực, để tạo điều kiện cho sự hoạt động ổn định, liên tục của ngân hàng trong thời gian tới” – ông Đào Minh Tú nói thêm.
Theo Laodong.vn