Tình cảnh ”ăn trực nằm chờ” nhiều ngày qua tại khu vực các cửa khẩu phía Bắc để chờ xe được thông quan dịp cuối năm đang khiến hàng trăm thương nhân, DN đứng ngồi không yên khi mối lo ôm lỗ nặng cứ lớn dần trước mắt.
Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thùy Trần Thanh Tâm chia sẻ, công ty đang có 5 container hàng trái cây mắc kẹt tại cửa khẩu và không biết đến bao giờ mới được thông quan. Nếu một container sầu riêng không xuất bán được phải mang đi bỏ thì lỗ 1,3 – 1,5 tỷ đồng, còn một container mít thì lỗ gần 300 triệu đồng. Vì vậy, thời điểm hiện tại, hầu hết DN buộc dừng hoặc giảm sản lượng thu mua. Song nếu DN dừng thu mua, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại thấp thỏm vì hàng nghìn tấn nông sản không có đầu ra.
Không riêng gì Công ty TNHH Tâm Thùy, tại các cửa khẩu phía Bắc đang ùn ứ tới hơn 4.500 xe hàng hóa, hầu hết đều là hàng nông sản như sầu riêng, mít, xoài, chuối… Nếu phải chờ quá lâu, những loại trái cây này chín, thối hỏng, dẫn đến việc không giao được hàng.
Hàng trăm nghìn tấn nông sản có nguy cơ phải đổ bỏ hoặc bán rất rẻ. |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An Nguyễn Minh Phương cho biết: “Tính chung các DN, hợp tác xã trong hiệp hội đang có khoảng 600 – 700 xe container thanh long mắc kẹt ở Lạng Sơn, Lào Cai. Hiện, trung bình cứ mỗi ngày mắc kẹt, DN lại mất thêm khoảng 1,5 triệu đồng/xe cho các chi phí bến bãi, tiền xăng dầu để duy trì nhiệt độ bảo quản trái cây, chi phí ăn uống cho tài xế. Vậy là cơ hội mang về doanh thu lớn dịp cuối năm của các DN đã tiêu tan, thậm chí không ít DN lâm vào cảnh mất trắng, lỗ nặng”.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, ước tính trị giá hàng hóa trên mỗi xe container lên đến 500 – 600 triệu đồng. Số ít hàng hóa nếu có thể bán lại trong thị trường nội địa cũng chỉ thu hồi được 10 – 20% giá trị. Do đó, với khoảng hơn 4.000 xe đang mắc kẹt, tổng giá trị hàng hóa tổn thất gần 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, những mặt hàng đang xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc trong thời gian này là mít, xoài, thanh long đến từ các tỉnh miền Tây, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên… nên chi phí vận chuyển từ vườn đến cửa khẩu đã mất từ 80 – 100 triệu đồng/xe.
Vẫn chưa thoát khỏi thế “tiến thoái lưỡng nan”
Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, nếu Trung Quốc tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa khẩu, với năng lực thông quan khoảng 100 xe/ngày tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn (duy nhất cửa khẩu Hữu Nghị thông quan) thì cần tới hơn 40 ngày nữa để giải quyết hơn 4.000 xe hàng đang ùn ứ. Như vậy, chắc chắn DN sẽ phải tiếp tục gánh thêm khoản chi phí từ nay đến khi hàng hóa được thông quan.
Nhìn nhận về khó khăn của DN, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vy Công Tường cho rằng, việc Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết, đang gia tăng áp lực cho DN Việt Nam, bởi nỗi lo làm sao để xuất được hàng trước thời gian quy định này.
Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho hay, khoảng 3 ngày nay, do DN nắm bắt được thông tin khuyến cáo nên đã chủ động giảm lượng xe chở hàng đến cửa khẩu. Mặt khác, do thời gian chờ đợi lâu, nhiều mặt hàng nông sản bắt đầu hư hỏng, không thể tiếp tục chờ thông quan được nữa nên các DN, chủ hàng phải lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển sang tiêu thụ nội địa những sản phẩm còn đảm bảo chất lượng nhằm gỡ lại phần nào chi phí. Những mặt hàng bị ảnh hưởng chủ yếu là mít, thanh long, dưa hấu, chuối xanh, xoài… có thời gian bảo quản ngắn.
Còn theo phản ánh của nhiều DN, giải pháp chuyển sang tiêu thụ nội địa cũng chỉ là “bất đắc dĩ”, bởi nông sản xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khác. Thêm vào đó, sau nhiều ngày mắc kẹt ở cửa khẩu, chất lượng nông sản sụt giảm không thể đem bán với mức giá mong muốn.
Nhận định về vấn đề ùn ứ nông sản tại cửa khẩu xuất sang Trung Quốc dịp cuối năm, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, câu chuyện này không mới và đúng kiểu “đến hẹn lại lên”. Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề hệ lụy đến an ninh xã hội cũng như vệ sinh an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, nếu để lâu sẽ dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại cho DN. Đáng buồn là hiện nay, đầu ra của phần lớn nông sản Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, dẫn đến nước ta luôn trong thế bị động khi nước bạn chuyển trạng thái đóng – mở cửa khẩu.
Các cơ quan chức năng phải có biện pháp khẩn trương, quyết liệt tháo gỡ cùng với theo dõi tiến độ các cửa khẩu nhằm khắc phục sớm nhất hệ quả của việc hàng hóa bị ùn ứ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp nhất thời, về lâu dài, bản thân mỗi DN cần đa dạng thị trường xuất khẩu để không bị động khi có sự cố.
Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp |