Hiến kế kéo lao động về quê trở lại với doanh nghiệp

09/10/2021 08:12 Chiều

Để phục hồi sản xuất, Nhà nước cần có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân, thu hút và đào tạo lại lao động. Nhiều doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM đã bắt tay vào phục hồi sản xuất, kinh doanh sau một thời gian tạm ngưng để chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, họ cho biết bước đầu vẫn còn gặp một số khó khăn như cạn dòng tiền, thiếu hụt lực lượng lao động, lượng hàng tồn quá lớn và gánh nặng chi phí xét nghiệm.

Người lao động vẫn khó đi làm

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, cho hay hiện công ty đã hoạt động trở lại. Trong đó, xí nghiệp ở TP.HCM đã có 90% lao động làm việc nhưng xí nghiệp ở Bình Dương chỉ mới được 50%.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi tái hoạt động sản xuất, kinh doanh là thiếu hụt nhân công, chi phí xét nghiệm.

Nguyên nhân, theo ông Hồng, dù TP.HCM đã có chủ trương cho phép người lao động được đi lại nhưng các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An vẫn còn hạn chế. Điển hình như công nhân đi lại giữa TP.HCM với Long An gần như bình thường, chỉ cần tiêm vaccine hai mũi hoặc một mũi đủ 14 ngày. Trong khi đó Bình Dương lại yêu cầu phải xét nghiệm mỗi lần qua lại. Điều này dẫn đến lao động dù đang ở TP.HCM, sát ngay xí nghiệp tại Bình Dương, nhưng không thể đi làm được. Vì vậy, công ty vẫn đang chờ hướng dẫn mới về việc nới lỏng hơn trong đi lại của Bình Dương.

“Phần lớn các đơn hàng xuất khẩu của DN ngành dệt may vẫn còn tồn, có thể đủ sản xuất đến hết quý IV/2021. Nếu thuận lợi thì DN sẽ chào hàng mới cho khách hàng từ quý I/2022, tuy nhiên hiện nay khó dự báo trước tình hình thị trường”, ông Hồng thông tin thêm.

Sau khi chuẩn bị, sắp xếp lại các công đoạn sản xuất theo tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19, Công ty CP Thực phẩm Agrex Saigon cũng đã đi vào sản xuất để kịp cung ứng những đơn hàng còn tồn chưa giao cho khách hàng. Thế nhưng, ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Agrex Saigon nêu thực tế khó khăn nhất vẫn là thiếu lao động phục vụ cho tái sản xuất. Hiện công ty chỉ mới thu hút được 50% số lượng lao động trở lại làm việc nên không thể nâng công suất nhà máy nhằm hoàn thành nhanh các đơn hàng của khách.

“Thời gian qua, công ty tạm ngưng sản xuất do dịch COVID-19 nên lượng hàng tồn lên tới 3.000 tấn sản phẩm. Lượng lao động của công ty lại đang ở quê nên phần lớn chưa được tiêm vaccine và họ cũng chưa có phương án trở lại TP.HCM làm việc. May là khách hàng chia sẻ, thấu hiểu nên chấp nhận cho chúng tôi giao chậm, không bắt phải bồi thường. Tuy vậy, chúng tôi cam kết bù đắp thêm sản lượng bằng cách sẽ tăng 5% lượng sản phẩm cho khách hàng”, ông Long cho hay.

Giao quyền chủ động xét nghiệm cho doanh nghiệp

Chi phí xét nghiệm cũng là một trong những khó khăn đối với cộng đồng DN, nhất là những đơn vị có nhiều lao động. Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) thông tin: Hai xưởng sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu của công ty ở TP.HCM và Bình Dương đã hoạt động trở lại với hơn 300 lao động, tức chiếm khoảng 60% lao động của công ty. Dù hiện nay sản xuất với tiêu chí an toàn mới, tần suất xét nghiệm đã giảm bớt so với trước đây nhưng đây vẫn là khoản chi phí lớn trong bối cảnh cộng đồng DN đang rất khó khăn.

Ông Mạnh dẫn chứng, hiện nhiều địa phương quy định phải xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính bảy ngày/lần. Đó là chưa kể hiện nay đa số lao động của công ty đều đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và khoảng 50% tiêm 2 mũi nên việc xét nghiệm hằng tuần là không cần thiết, không còn phù hợp với thực tế nữa. Điều này vừa tạo thêm gánh nặng cho nhà sản xuất, kinh doanh, vừa gây lãng phí, quá tải cho lực lượng y tế.

“Theo tôi, nên để các DN tự xét nghiệm hằng tuần tùy tình hình hoạt động từng đơn vị, chi phí này được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN. Còn các cơ sở y tế chỉ nên xét nghiệm một tháng/lần hoặc nửa tháng/lần tùy tình hình dịch bệnh và chi phí này Nhà nước hỗ trợ DN”, ông Mạnh đề xuất.

Tiêm vaccine cho lao động ở tỉnh

Đa số DN mong muốn Nhà nước có ngay chính sách kịp thời để giữ chân và thu hút người lao động trở lại TP.HCM làm việc. Tổng Giám đốc Công ty Agrex Saigon Phạm Hải Long nhìn nhận hiện nay rất nhiều công nhân đang ở TP.HCM dù đã tiêm hai mũi hoặc một mũi vaccine nhưng vẫn về quê sau khi TP mở cửa trở lại. Trong khi lực lượng lao động ở tỉnh lại chưa được tiêm vaccine rất nhiều nên DN muốn kêu gọi họ trở lại làm việc cũng không được vì không thể di chuyển vào TP.HCM khi không đáp ứng được tiêu chí thẻ xanh, thẻ vàng.

Vì vậy, lãnh đạo Công ty Agrex Saigon kiến nghị TP.HCM cần phối hợp ngay với các tỉnh, thành về việc tiêm vaccine cho lao động ở tỉnh muốn về TP.HCM làm việc. Cụ thể, khi các DN tập hợp được lao động, kết nối với địa phương xét nghiệm âm tính thì vận chuyển họ về TP.HCM. Tại cửa ngõ TP.HCM sẽ có các lực lượng chức năng tiến hành tiêm vaccine cho số lao động này. Sau đó đưa họ về chỗ ở, cách ly đủ 14 ngày sau tiêm theo sự giám sát của địa phương khu vực đó.

“Sau thời gian cách ly, họ được xét nghiệm PCR, nếu âm tính thì được vào sản xuất bình thường. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có chính sách đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động thì DN mới có thể trở lại sản xuất ổn định được”, ông Long góp ý.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cũng cho rằng, các tỉnh, thành và TP.HCM cần thống nhất, đồng bộ về quản lý y tế, quản lý đi lại của người lao động. Chẳng hạn, công nhân có giấy xác nhận của công ty, cung đường di chuyển từ chỗ ở đến/về chỗ làm, được tiêm vaccine… là được lưu thông qua các tỉnh, thành TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

“Nếu không đủ lao động thì DN cũng khó phục hồi, đẩy nhanh sản xuất, cung ứng các đơn hàng cho khách hàng kịp trong quý IV này. Công suất tăng thì DN mới có sức để tăng tốc, phục hồi hoàn toàn từ đầu năm sau”, ông Hồng chia sẻ.

Đề xuất cho công nhân tăng ca sản xuất

Nhiều công ty cho biết muốn tăng công suất và bản thân công nhân đang làm việc cũng muốn làm thêm giờ nhưng lại không được. Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Agrex Saigon cho hay, để tăng thu mua nguyên liệu và đảm bảo thời gian giao hàng theo yêu cầu đối tác, công ty buộc phải tăng số giờ làm nhưng lại vướng quy định về làm thêm giờ.

Vì thế, ông Long đề nghị trong giai đoạn 3 tháng cuối năm nay, đề xuất cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề, lĩnh vực. Từ đó giúp DN, nhất là những nhà xuất khẩu nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đồng quan điểm, nhiều DN và chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh khan hiếm lao động như hiện nay thì làm thêm giờ là một giải pháp cần xem xét để gỡ khó cho DN. Mặt khác, việc làm thêm giờ cũng có thể giúp người lao động tăng thêm thu nhập, song phải đảm bảo sức khỏe và các điều kiện khác.

Quang Huy-PLTPHCM

Cùng chuyên mục

Đồ gỗ nội thất Việt có nhiều cơ hội đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc

10/04/2024 11:53 Sáng

Tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng trong 2 tháng đầu năm 2024, đồ nội thất văn phòng chiếm tỷ trọng cao nhất.

Cấp điện ổn định, liên tục phục vụ dạy và học trực tuyến của EVNHCMC

20/09/2021 02:23 Chiều

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cùng với việc bảo đảm điện phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân và công tác phòng, chống dịch thì nhiệm vụ bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho công tác dạy và học trực tuyến của các thầy cô giáo và khoảng 1,71 triệu học sinh tại TPHCM luôn được Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) ưu tiên thực hiện.

Doanh nghiệp sản xuất lo lắng về đề xuất tăng giá điện ủa Tập đoàn Điện lực Việt Nam

04/04/2023 01:05 Sáng

Doanh nghiệp sản xuất cho biết khá lo lắng về đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc tăng giá điện sẽ tác động đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, khiến các chi phí này đội lên trong bối cảnh đơn hàng đang thiếu.

Doanh nghiệp vẫn mỏi mòn chờ hoàn thuế

16/12/2023 06:02 Sáng

Thủ tướng Chính phủ đã ra công văn yêu cầu Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho DN trước ngày 31/12.

MiSmart đạt giải nhất Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2022 (QVIC 2022)

15/09/2022 02:42 Sáng

Những công ty bước vào Vòng Chung kết Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2022 (QVIC 2022) đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Qualcomm thông qua chương trình ươm tạo về kỹ thuật và kinh doanh, khuyến khích nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế, tăng cơ hội kết nối trong ngành, tham khảo ý kiến cố vấn từ các chuyên gia, hỗ trợ chi phí cùng nhiều sự hỗ trợ khác.

Đối tác