Tính đến 31/03/2023, Việt Nam đang có 52 Chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề nghị tăng vốn, KBank chi nhánh TP.HCM sẽ trở thành 1 trong 3 Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ cao nhất tại Việt Nam.
Ở Thái Lan, KBank hiện thuộc Top 03 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản với 122,9 tỷ USD. Sở hữu lợi thế về di sản hoạt động đồ sộ gần 80 năm trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN+3 (ACE+3), kết hợp cùng “bộ đệm vốn” dày, KBank mang quyết tâm chinh phục thị trường Việt Nam, với tầm nhìn trở thành ngân hàng hàng đầu về kỹ thuật số trong khu vực. Chỉ sau một năm khai trương chi nhánh TP.HCM, KBank đã quyết định rót thêm vốn “khủng” nhằm đẩy mạnh hệ sinh thái giao dịch toàn diện và gia tăng năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu vào top 20 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam đến năm 2027.
Ông Chat Luangarpa – Phó Chủ tịch Điều hành Ngân hàng KBank cho biết: với quyết tâm trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, KBank đã quyết định gia tăng vốn gấp 2,5 lần nhằm sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và khách hàng bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực giải quyết bài toán về vốn sẽ phụ thuộc lớn vào các ngân hàng. Đồng thời, nguồn vốn này cũng tạo đà phát triển cho nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến của chúng tôi ở Việt Nam, vốn là một thế mạnh cốt lõi giúp KBank luôn tiên phong trong kỷ nguyên số. Đây là một cột mốc đầy tự hào giúp KBank tạo ra những dấu ấn tích cực và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”.
Tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của ngành về an toàn hoạt động. Nguồn vốn dồi dào không chỉ khẳng định tiềm lực tài chính của ngân hàng, giúp hiện thực hóa các kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn mà còn đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.
Ngay từ khi tiếp cận thị trường Việt Nam, KBank đã xác định nhóm khách hàng hộ kinh doanh, cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng tiềm năng trong nền kinh tế khi họ chiếm tới 97.3% trong cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại gặp khá nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xét duyệt bảo lãnh khắt khe của các ngân hàng nội địa. Việc gia tăng vốn điều lệ của KBank sẽ trở thành bàn đạp giúp ngân hàng nghiên cứu và mở rộng dịch vụ phù hợp cho nhóm đối tượng này, tạo cơ hội cho họ phát triển kinh doanh với quy mô lớn hơn trong tương lai.
Song song với việc gia tăng vốn điều lệ, KBank cũng tiếp tục tập trung phát triển những dịch vụ thanh toán trên nền tảng số và sản phẩm vay vốn kỹ thuật số để phù hợp với định hướng của chính phủ tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt. Tận dụng lợi thế dẫn đầu trong lĩnh vực ngân hàng số tại Thái Lan, các sản phẩm vay vốn tiện ích như KBank Biz Loan trên ứng dụng K PLUS Vietnam sẽ giúp khách hàng Việt Nam tiếp cận dịch vụ tài chính dễ dàng hơn. Trong năm 2023, KBank đặt mục tiêu dư nợ cho vay đạt 960 triệu USD nhằm tối ưu hóa quy trình xoay vòng vốn cho các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.
Đặc biệt, hệ sinh thái giao dịch liền mạch (Transactional Ecosystem) được KBank đầu tư mạnh mẽ sẽ cho phép người dùng có thể thực hiện và theo dõi mọi giao dịch trên cùng một nền tảng đã được công nghệ hóa với tính năng bảo mật cao. KBTG Việt Nam, chi nhánh công nghệ của KBank cũng không ngừng nâng cao các tính năng bảo mật và tiện ích tối đa để hỗ trợ KBank trong hành trình lan tỏa dịch vụ số tới mọi phân khúc khách hàng. Thông qua đó, KBank đặt mục tiêu tăng số lượng người dùng K PLUS Việt Nam từ 470.000 người hiện nay lên 1,3 triệu người vào cuối năm 2023.
Thanh Nguyên