Nhiều đại biểu đến tham dự LHP gồm: Ông Phạm Quý Trọng – Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực miền Nam; ông Enrico Padula – Tổng Lãnh sự Ý tại TP HCM; ông Antonio Termenini – Giám đốc nghệ thuật của LHP Châu Á tại Rome và LHP Ý tại TP HCM, NSND Đào Bá Sơn, NSƯT Công Ninh…
Tại buổi khai mạc, ông Enrico Padula – Tổng Lãnh sự Ý tại TP HCM cho biết: “Với sự sáng tạo và những nguồn cảm hứng diễn giải và truyền thông điệp mà đôi khi chỉ bằng lời nói đơn giản có lẽ không làm được. Với nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, điện ảnh có lẽ là hình thức truyền tải kiến thức sâu rộng về các dân tộc và nền văn hóa khác một cách sâu rộng.
Nhờ hình ảnh, điện ảnh cho phép có được kiến thức trực quan, trực tiếp về con người, đồ vật, địa điểm cảnh quan, nhiều thông tin truyền tải đến khán giả theo cách này. Thông qua việc kể câu chuyện, điện ảnh giới thiệu cho khán giả về tâm lý, sự chuyển biến nội tâm con người. Đó là những lý do gọi điện ảnh là hình thức nghệ thuật đặc biệt, nhiều chức năng. Điện ảnh Ý có truyền thống lâu đời, được xem là nơi khai sinh ra nền nghệ thuật này. LHP Venice của Ý cũng là LHP lâu đời nhất trên thế giới. Một nghệ thuật sáng tạo, sống động”.
Sau lễ khai mạc, các khách mời cùng khán giả thưởng thức phim “Io Capitano” (Tôi là thuyền trưởng) của đạo diễn Matteo Garrone. Phim kể về hành trình di cư của hai anh em Seydou Sarr và Moustapha Fall, từ quê hương Dakar, Senegal tới Sicily, Ý.
Cuộc phiêu lưu bắt đầu với hy vọng và ước mơ, rồi dần trần trụi và thực tế qua những lũng loạn nơi sa mạc, những nguy hiểm của biển khơi, và sự hoài nghi, giả dối của con người.
LHP Ý tại TP HCM 2024 do Tổng Lãnh sự quán Ý tại TP HCM phối hợp với Liên hoan phim (LHP) Châu Á tại Rome cùng các đối tác đồng hành: Galaxy Cinema, Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Khoa Tiếng Ý – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc Gia TP HCM, VIEWSONIC và Công ty CP phát triển thương hiệu Trần Gia, tổ chức. Đây là sự kiện diễn ra từ ngày 29-9 đến ngày 4-10 tại cụm rạp Galaxy (116 Nguyễn Du, Q.1, TP HCM), nhằm mong muốn mang đến cho khán giả Việt góc nhìn đương đại về điện ảnh Ý, quảng bá văn hóa Ý thông qua điện ảnh.
5 tác phẩm còn lại được trình chiếu trong những ngày kế tiếp gồm: “Palazzina Laf” (Nhà máy cán nguội) của đạo diễn Michele Riondino; “Zamora” của đạo diễn Neri Marcorè; “Quell’estate con Irène” (Mùa hè cùng Irène) của đạo diễn Carlo Sironi; “Rapito” (Bắt cóc) của đạo diễn Marco Bellocchio; “La Chimera” (Giấc mơ không thành hiện thực) của đạo diễn Alice Rohrwacher.
Tất cả các buổi chiếu phim bắt đầu lúc 19 giờ và sau mỗi buổi chiếu sẽ có phần giao lưu về phim với ông Antonio Termenini – Giám đốc nghệ thuật của LHP Châu Á tại Rome và LHP Ý tại TP HCM. Để nhận được vé miễn phí, khán giả cần đăng ký trước tại liên kết: https://bit.ly/TicketIFF2024HCMC.
Ngoài hoạt động chiếu phim, giao lưu sau mỗi suất chiếu, ngày 2-10, một workshop về chủ đề “Xu hướng làm phim của điện ảnh Ý đương đại” với sự tham gia của Giám đốc nghệ thuật Antonio Termenini, cùng với các khách mời khác được tổ chức tại trường Đại Học Sân khấu Điện Ảnh TP HCM. Trong khuôn khổ của sự kiện LHP Ý 2024 tại TP HCM.
Ban Tổ chức còn phát động “Cuộc thi bình luận phim Ý” dành cho tất cả khán giả đến xem các phim năm nay, cuộc thi này từ ngày 29-9 đến 7-10.
Cuộc thi làm phim ngắn với chủ đề “Văn hóa Ý dưới góc nhìn của người Việt” dành cho các sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, hạn chót nộp bài là ngày 9-10.