Có hai kịch bản chính cho chính sách tiền tệ của Mỹ trong thời gian tới. Kịch bản đầu tiên là nền kinh tế sẽ vận hành theo đường lối mà Brainard đã hình dung từ ban đầu và được nhấn mạnh lại trong bài phát biểu ngày 27/09/2021. Nếu kịch bản này diễn ra thì sẽ giúp tăng thêm 5-8.5 triệu việc làm. Theo Brainard, đây mức tăng đáng lẽ đã được hoàn thành nếu không có sự xuất hiện của dịch bệnh. Bên cạnh đó, lạm phát vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
Kịch bản thứ hai sẽ được dẫn dắt bởi năm vị Thống đốc do Đảng Cộng hòa bổ nhiệm. Cụ thể, kịch bản này hướng tới việc thắt chặt chính sách tiền tệ trước khi nền kinh tế Mỹ kịp phục hồi hoàn toàn. Các dự báo kinh tế mới nhất từ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã chỉ ra những thay đổi theo hướng “diều hâu” trong chính sách, hướng tới thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu quan điểm này được ủng hộ và dẫn dắt bởi Powell hoặc một vị chủ tịch khác thì kỳ vọng tăng trưởng việc làm sẽ ít hơn và kết quả của thị trường lao động cũng theo đó bớt lạc quan hơn (làm việc ít giờ hơn và lương thấp hơn) cho các nhóm lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Brainard nằm trong số ít các nhà hoạch định chính sách khẳng định rằng các đợt tăng lãi suất từ năm 2015 đến 2018 là những sai lầm. Ông Powell thì không cho rằng chính sách tăng lãi suất là sai lầm. Để đảm bảo rằng tầm nhìn của Brainard sẽ được hiện thực hóa, bà nên được bổ nhiệm làm Chủ tịch Fed vào tháng 02/2022 khi nhiệm kỳ của ông Powell kết thúc.
Góc nhìn đến từ Lael Brainard, một thành viên của Hội đồng thống đốc của Fed từ năm 2014, người vào ngày 27 tháng 9 đã tiếp tục nhấn mạnh quan điểm của mình rằng không nên tăng lãi suất quá sớm với nền kinh tế vẫn còn bị ảnh hưởng từ Covid-19. Việc làm đã bắt đầu quay trở lại nhưng tốc độ phục hồi chậm và rất khó dự đoán. Tác động tiêu cực lên nền kinh tế không chỉ đến từ biến thể Delta mà còn là sự tích lũy từ các đợt giãn cách trước đây. Trong đó, việc đóng cửa trường học liên tục, lặp đi lặp lại và tình trạng thiếu hụt dịch vụ chăm sóc trẻ em đồng nghĩa với việc nhiều phụ huynh vẫn chưa thể trở lại làm việc trong các công ty.
Brainard nhấn mạnh, “Đại dịch đã gây ra những thiệt hại lớn đến thị trường lao động của nhiều phụ nữ; đặc biệt là người da màu, gốc Mỹ Latinh, đang nuôi con nhỏ và thu nhập thấp”. Chúng ta còn lâu mới có thể đạt tới trạng thái toàn dụng lao động.
Trong một cuộc tranh luận về chính sách tiền tệ vào năm 2015, Thống đốc (hiện nay đã là Chủ tịch) Jerome “Jay” Powell là một trong những người ủng hộ việc thắt chặt sớm – trái ngược hẳn với xu hướng của Brainard là giữ lãi suất thấp để đạt được trạng thái toàn dụng lao động. Trong buổi họp gần nhất, Powell tiếp tục thể hiện tính nhất quán trong việc thực hiện chính sách thắt chặt của mình. Ngay từ năm 2013, ông đã thuyết phục Chủ tịch khi đó là Ben Bernanke và các đồng nghiệp của mình rằng phải sớm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Hồi ký năm 2015 của Bernanke cũng đã xác nhận rằng Powell đã nhấn mạnh sự cần thiết của một “kế hoạch rút lui” đối với chính sách tiền tệ và đây là quan điểm chủ đạo của ông kể từ năm 2012, thời điểm mà ông mới tham gia vào Hội đồng thống đốc của Fed.
Vấn đề vào thời điểm đó là xác định rõ ràng rủi ro lạm phát và chi phí tiềm ẩn của việc thắt chặt quá sớm, đặc biệt là đối với triển vọng việc làm của những người Mỹ có thu nhập thấp. Hiện tại, chúng ta lại một lần nữa phải đối mặt với bài toán khó đó. Lập luận của Brainard vẫn luôn là giữ lãi suất ở mức thấp. Bà cho rằng biến động giá do ảnh hưởng của các yếu tố ngắn hạn nên được bỏ qua.
Ông Jerome Powell tranh luận với bà Lael Brainard trong cuộc họp của Hội đồng thống đốc Fed. Nguồn: The Seattle Times.
Điều thực sự nổi bật trong chính sách của Brainard là sự quan tâm đến tầng lớp lao động nghèo. Theo quan điểm của bà, họ là những người đầu tiên bị sa thải khi kinh tế suy thoái và là người cuối cùng có được việc làm khi kinh tế phục hồi. Nhiều người trong số này là phụ nữ, trong đó phụ nữ da màu thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nền kinh tế bị đình trệ.
Khi Brainard đưa ra những quan điểm trên, lập luận của bà đã bị hầu hết những người điều hành chính sách tiền tệ ở Mỹ và các nước phát triển khác lúc bấy giờ hoài nghi. Cách tiếp cận phổ biến trong nhóm lãnh đạo này là thích hành động “phủ đầu” nhằm chống lại lạm phát, đặc biệt là các thống đốc Fed do chính quyền Đảng Cộng hòa bổ nhiệm. Thông thường, những thống đốc đến từ Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ họ sẽ có xu hướng đẩy nhanh chính sách thắt chặt tiền tệ hơn các nhân vật đến từ Đảng Dân chủ – phù hợp với những phát hiện lâu nay về thiên kiến chính trị.
Tuy nhiên, kể từ năm 2015, quan điểm của Brainard đã dần được những nhà hoạch định chính sách chấp nhận rộng rãi và giúp thiết lập “bộ khung mới” cho Fed vào tháng 08/2020. Điều này dẫn đến sự thay đổi đáng chú ý trong tư duy của các nhà lãnh đạo, rằng nền kinh tế vẫn chưa được cung cấp đủ nguồn tín dụng. Để có sự thay đổi như vậy, Brainard đã thuyết phục thành công rất nhiều đồng nghiệp nam – trong đó có chủ tịch và hai phó chủ tịch Hội đồng thống đốc của Fed.
Simon Johnson, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)