Kinh tế hợp tác ít được hưởng các gói hỗ trợ

29/03/2021 01:57 Chiều

Tỷ lệ HTX được hưởng thụ các chính sách hỗ trợ khó khăn do Covid-19 rất hạn chế.

Có tới 83,3% số HTX ở Việt Nam chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19

Hơn 83% số HTX bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Theo báo cáo Tác động và ứng phó đại dịch Covid-19, thực trạng và tiếp cận chính sách của khu vực HTX của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 24/3, có tới 83,3% số HTX ở Việt Nam chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Trong đó, số HTX chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là khu vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, với 50%; tiếp theo là lĩnh vực vận tải (45,5%); thương mại, bán lẻ (33,3%).

Báo cáo cũng cho thấy, chỉ có trên 16% số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động nghiêm trọng, trong khi với lĩnh vực khác (môi trường, y tế, giáo dục…), tỷ lệ này là 15,4%.

Tuy nhiên, nếu tính cả số HTX chịu ảnh hưởng nhiều (dưới mức nghiêm trọng), thì tỷ lệ HTX chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh rất cao, như khu vực du lịch là 100%, vận tải (95,5%), thương mại bán lẻ (77,7%). Ngay cả lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực khác, tỷ lệ này cũng tương ứng là 60,5% và 54%.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức vượt qua khó khăn do Covid-19, năm 2020, Chính phủ đã ban hành 8 chính sách. Tuy nhiên, theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, tỷ lệ HTX được hưởng thụ các chính sách hỗ trợ là rất hạn chế.

“Chính sách mà khu vực kinh tế tập thể được hưởng thụ nhiều nhất là giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thì cũng chỉ có 14% số HTX được tiếp cận và trong số này, chỉ 10% được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Các chính sách còn lại chỉ có 3-5% số HTX được thụ hưởng. Đặc biệt, chính sách cho HTX vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động chỉ có một HTX được thụ hưởng”, bà Caitlin Wiesen cho biết.

Ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội không khỏi băn khoăn khi số lượng HTX được tiếp cận với các gói chính sách hỗ trợ quá ít. “Có tới 77% số HTX nắm bắt được chính sách giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với các tổ chức, HTX, doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 200 tỷ đồng, nhưng chỉ có 10% số HTX được thụ hưởng chính sách này, mặc dù Liên minh HTX Hà Nội đã rất tích cực tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ. Vì sao vậy?”, ông Chiến đặt câu hỏi.

Cảnh báo với khu vực kinh tế hợp tác

Là người trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với HTX để vượt qua khó khăn do Covid-19, ông Chiến cho biết, mặc dù có 60% số HTX trên địa bàn Hà Nội đã biết chính sách này qua nhiều kênh thông tin, nhưng chỉ 40% trong số đó làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ và số nhận được hỗ trợ rất ít.

“Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp nhận được 2 gói hỗ trợ kể trên rất lớn, thì khu vực kinh tế hợp tác lại rất ít. Như vậy, không thể nói chính sách không phù hợp, không kịp thời, phiền hà, phức tạp vì tất cả các đối tượng thực hiện quy trình, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ như nhau. Qua việc này, chúng ta phải suy nghĩ lại, vì đây là sự cảnh báo với khu vực HTX. Nếu chúng ta làm việc không bài bản, không quy chuẩn, thì không thể nhận được hỗ trợ”, ông Chiến cảnh báo.

Từ thực tế cuộc sống, Giám đốc HTX Thuận Yến (Bình Thuận) cho rằng, việc khó tiếp cận được với các gói hỗ trợ có nguyên nhân chính là năng lực lãnh đạo của HTX rất thấp, chủ yếu xuất thân từ người nông dân, kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, trình độ văn hóa có hạn, lại không được đào tạo bài bản, quy củ, nên không đáp ứng được các quy định tối thiểu để tiếp cận các gói hỗ trợ.

“Mặc dù Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn đều quy định HTX được ưu đãi về quỹ đất, nhưng hầu hết các địa phương đều không có quỹ đất cho HTX thuê, nên chính sách gia hạn tiền thuê đất không có ý nghĩa. Số lượng HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp vào ngân sách nhà nước không nhiều, nên không có nhiều đối tượng được hưởng chính sách gia hạn, giảm tiền thuế. Muốn tiếp cận vốn tín dụng thì phải có tài sản thế chấp, HTX không có tài sản thế chấp, nên khó tiếp cận vốn ngân hàng, từ đó, chính sách cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay cũng không có nhiều ý nghĩa”, Giám đốc HTX Thuận Yến giãi bày.

Ở một góc độ khác, Phó cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Phùng Quốc Chí cho biết, các chính sách hợp lý, HTX có nhu cầu hỗ trợ, nhưng nếu không có nguồn vốn để thực hiện, thì chính sách hỗ trợ cũng sẽ khó đi vào cuộc sống. “Trong giai đoạn trước, nhiều chính sách được ban hành, nhưng không có nguồn lực thực hiện, nên không thể đạt được mục tiêu đề ra”, ông Chí nói.

Theo Báo Đầu tư

Cùng chuyên mục

Đầu tháng 8 lãi suất tiền gửi liên tục tăng cao

09/08/2022 05:36 Sáng

Từ đầu tháng 8, KienlongBank cũng nhiều ngân hàng khác đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tất cả các kỳ hạn.

Xuất khẩu gạo 4 tháng thu về hơn 1 tỷ USD

08/05/2021 02:36 Chiều

Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo tăng trở lại trong tháng 4, với 700.000 tấn sang các thị trường, đạt 362 triệu USD. So với tháng 3, gạo xuất sang các thị trường tăng hơn 160.000 tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 1,9 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD, tức là khoảng hơn 23.000 tỷ đồng.

Nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế

03/10/2021 08:14 Sáng

Phân tích tốc độ tăng trưởng GDP “âm” của quý III/2021, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng tình thế khó khăn là do có yếu tố “đột biến” mang tính tạm thời. Nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ.

Đề xuất tăng mức phạt với vi phạm về bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe

17/09/2023 11:46 Chiều

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe từ mức phạt tiền 40-50 triệu đồng lên mức 90-100 triệu đồng.

Lạm phát Việt Nam ở nhóm thấp nhất thế giới

28/07/2022 04:11 Chiều

Với các chính sách điều hành linh hoạt, kết quả, lạm phát của Việt Nam hiện đang ở nhóm thấp nhất thế giới.

Đối tác