Hai lần giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, 3 lần giá xăng giảm mạnh liên tiếp, khiến giá xăng đã về mốc hồi tháng 2 năm nay. Cùng với đó là hàng loạt các biện pháp kiểm soát chặt giá các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, trước những áp lực từ quốc tế đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục có những giải pháp chặt chẽ và linh hoạt để lạm phát trong nước vẫn đạt được mục tiêu đề ra.
Giá xăng tiếp tục giảm. Mỗi lít xăng giảm từ 2.700 – 3.600 đồng, các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm 1.100 – 2.380 đồng/lít. Như vậy, mặt bằng giá xăng trong nước đã về ngang với hồi tháng 2 năm nay.
Bên cạnh quỹ bình ổn giá được sử dụng linh hoạt và hiệu quả thời gian qua, thuế bảo vệ môi trường cũng đã được hạ 2 lần vào ngày 1/4 và 11/7, giảm kịch khung xuống mức giá sàn trong biểu thuế suất. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đang tính toán việc giảm thêm các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT để trình Quốc hội.
Đó là chỉ riêng với xăng dầu, còn dịch vụ giáo dục, chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong rổ hàng hóa tính CPI, cũng đã được kiểm soát, giúp CPI 6 tháng giảm 0,19 điểm %, nhờ các địa phương đã miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch.
Cùng với đó, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất chưa tăng học phí giáo dục mầm non và phổ thông năm học 2022 – 2023 như lộ trình trước đó.
Với giá y tế, năm 2021 đáng ra đã phải hoàn thành việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và các chi phí khác theo pháp luật về giá, tuy nhiên để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, việc này đã được hoãn lại.
Mới đây nhất, EVN chủ động đề xuất chưa tăng giá điện, dù trong bối cảnh chi phí đội lên tính bằng lần. Như vậy, giá điện vẫn duy trì ổn định không tăng trong gần 4 năm qua.
Đáng chú ý, với giá nhà cho thuê, cũng là cấu phần trong rổ CPI, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 8 trong năm nay nhằm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khiến giá thuê nhà bình quân 6 tháng tiếp tục giảm mạnh 13,75% và tác động trực tiếp làm giảm CPI 0,07 điểm %.
Tổng hòa tất cả tất cả những nhân tố vừa nêu có thể thấy Việt Nam nằm trong top các quốc gia có mức lạm phát thấp nhất thế giới ở thời điểm này.
Bên cạnh xăng dầu,một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay là giá lương thực, thực phẩm. Cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá.
Trên thị trường thời điểm này, mặt bằng giá thịt lợn đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá lợn hơi trên cả nước hôm nay (26/7) đồng loạt đảo chiều, trong đó ghi nhận mức giảm mạnh nhất 5.000 đồng/kg. Đây cũng là cơ sở để thị trường kỳ vọng giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới.
Tại một trong những chợ dân sinh lớn của Hà Nội, giá thịt lợn đã bình ổn và giảm nhẹ so với cuối tuần trước, ví dụ như 1 kg thịt thăn hiện có giá 140.000 đồng, giảm 10.000 đồng so với cuối tuần trước.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc khảo sát tại 7 địa phương trên cả nước, làm việc với các doanh nghiệp để tiếp tục nắm bắt, chỉ đạo việc sản xuất tái đàn. “Tổng đàn lợn hiện nay khá lớn, khoảng 28,1 triệu con. Vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm tăng 5,7%, bằng mọi cách tái đàn, đáp ứng đủ cho 100 triệu dân”, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ nay đến cuối năm duy trì mức tăng trưởng sản lượng thịt lợn khoảng 6% sẽ có thể đảm bảo cung cầu thị trường.
Dự báo, trong những tháng cuối cuối năm, một số hàng hóa dự báo sẽ chịu nhiều áp lực tăng giá hơn khi tổng cầu gia tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Việc tiếp tục chủ động các nguồn cung hàng hóa song song với duy trì sự hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ là những yếu tố quyết định trong thành công kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.