Lên kịch bản dự phòng điều chỉnh thời gian năm học

23/02/2021 08:06 Chiều

Việc học sinh dừng đến trường ở gần 50 tỉnh thành chưa ảnh hưởng đến kế hoạch năm học, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn lên kịch bản dự phòng. Đến ngày 21/2, chỉ còn 17 tỉnh, thành cho học sinh các cấp nghỉ đến hết tháng 2 hoặc đến khi có thông báo mới để phòng Covid-19.

14 địa phương đã cho học sinh đến trường từ hôm 17/2, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và số còn lại sẽ mở cửa trường học đón học sinh từ ngày 22/2.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết đến thời điểm này Bộ chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh khung thời gian năm học. Tuy nhiên, để chủ động trước mọi tình huống, Bộ đang xây dựng kịch bản dự phòng tương tự năm ngoái, trong đó sẽ có điều chỉnh, lùi thời gian kết thúc năm học hay lịch các kỳ thi nếu học sinh phải nghỉ học kéo dài.

Học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM) đến trường tháng 5/2020 học sau hơn 3 tháng nghỉ vì Covid-19. Các em được do thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang trước khi vào lớp. Ảnh: Quỳnh Trần.

Giải thích về việc hiện chưa đặt vấn đề điều chỉnh thời gian năm học, ông Thành cho biết theo báo cáo của các địa phương, việc dạy và học trực tuyến những ngày qua (một số ngày trước Tết và một tuần sau Tết) được triển khai chủ động, linh hoạt theo đúng hướng dẫn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn về việc công nhận thời gian dạy học và điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên khi dạy học trực tuyến. Vì vậy, không đến trường không có nghĩa là học sinh nghỉ hoàn toàn. Các trường vẫn chuyển tải được một phần nội dung chương trình.

“Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022, các trường có hai tuần dự phòng (không học hoàn toàn). Hiện, đa số trường chưa sử dụng đến hai tuần này nên việc học sinh dừng đến trường những ngày qua chưa làm ảnh hưởng đến kế hoạch năm học”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, trước khi vào năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Thành cho rằng việc tinh giản này cũng sẽ tạo thêm khoảng rộng để tính toán kế hoạch dạy học khi xảy ra dịch bệnh hay thiên tai, bão lũ.

Trước đó tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 19/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước. Vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch, từ đó kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp”, Bộ trưởng nói.

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021, năm học bắt đầu sớm nhất vào ngày 1/9, muộn hơn mọi năm một tháng. Học kỳ I kết thúc trước ngày 16/1/2021; kỳ II trước 25/5/2021 và năm học trước ngày 31/5/2021. Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và công nhận tốt nghiệp THCS phải xong trước ngày 15/6/2021; tuyển sinh lớp 10 trước ngày 31/7/2021. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dựa vào khung thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương xây dựng khung riêng nhưng phải đảm bảo ít nhất 35 tuần thực học đối với giáo dục mầm non và phổ thông. So với mọi năm, cấp THCS và THPT được giảm hai tuần. Đối với giáo dục thường xuyên, các địa phương phải đảm bảo có ít nhất 32 tuần thực học, mỗi kỳ ít nhất 16 tuần.

Theo VNE

Cùng chuyên mục

Ứng Dụng Nền Tảng Công Nghệ Và Nguồn Lực Quốc Tế Vào Trong Giảng Dạy Ngôn Ngữ

09/11/2024 12:43 Sáng

Công nghệ phát triển giúp xã hội tiến lên “số hóa”. Vì vậy, giáo dục cũng cần hòa mình vào làn sóng công nghệ số để mang đến chương trình học phù hợp và đào tạo thế hệ nhân tài cho tương lai.

GS- TS Phạm Văn Lình làm Hiệu Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng

03/06/2021 01:44 Chiều

Sáng 1-6, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố quyết định của Hội đồng trường về bổ nhiệm hiệu trưởng đối với GS- TS Phạm Văn Lình.

Bộ GD&ĐT điều chỉnh lịch nộp lệ phí xét tuyển đại học lên thành 6 đợt

27/08/2022 06:10 Sáng

Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tin phân luồng thí sinh thanh toán lệ phí đăng ký xét tuyển trực tuyến, lại khác với lần điều chỉnh gần đây.

Trường Đại học Hoa Sen khởi động cuộc thi Nhà Quản trị Nhân sự Tương lai

04/05/2023 08:34 Chiều

Tối 23/5, Trường Đại học Hoa Sen (HSU) đã chính thức khởi động cuộc thi Nhà Quản trị Nhân sự Tương lai – The Future Human Resource Manager 2023. Đây là sân chơi về ngành nhân lực đầu tiên được tổ chức tại HSU.

Nhiều hoạt động phong phú, đa dạng tại Ngày hội Tân sinh viên TPHCM lần thứ 18

21/10/2023 12:21 Chiều

Sáng 21/10, Ngày hội Tân sinh viên TPHCM lần thứ 18, năm 2023, với chủ đề “Khát vọng Sinh viên” chính thức khai mạc tại Nhà Văn hóa Sinh viên, Khu đô thị ĐHQG TPHCM.

Đối tác