Bột lòng trắng trứng được sử dụng phổ biến làm nguyên liệu trong ngành công nghiệp thực phẩm do chứa protein chất lượng cao. Mức tiêu thụ protein trứng năm 2020 là khoảng 1,6 triệu tấn và thị trường dự kiến mở rộng thêm trong những năm tới.
Giống bột lòng trắng trứng, ovalbumin từ nấm có tính chất bông xốp.
Nhu cầu tăng làm phát sinh những vấn đề về tính bền vững và đạo đức. Một số công đoạn trong chuỗi sản xuất bột lòng trắng trứng, ví dụ như nuôi gà đẻ trứng, tạo ra lượng lớn khí nhà kính và góp phần gây ra tình trạng khan hiếm nước, giảm đa dạng sinh học và chặt phá rừng. Bên cạnh đó, trại chăn nuôi gà tập trung trở thành bể chứa các mầm bệnh và dẫn đến những đợt bùng phát bệnh lây truyền từ động vật.
Tuy nhiên, có thể một giải pháp thay thế “xanh” hơn sẽ sớm xuất hiện nhờ một loại nấm với khả năng sản xuất protein then chốt trong lòng trắng trứng, New Atlas hôm 7/1 đưa tin. Các nhà khoa học tại Đại học Helsinki và Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ VTT Phần Lan thay đổi gene của nấm sợi Trichoderma reesei để chúng tạo ra ovalbumin – chiếm hơn một nửa hàm lượng protein trong bột lòng trắng trứng. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Food.
Nhóm nghiên cứu cô lập gene phụ trách sản xuất ovalbumin của gà rồi đưa gene này vào nấm, thu hoạch protein tiết ra, sau đó cô đặc và làm khô thành bột. Khi kiểm tra, loại bột này thể hiện những tính chất mong muốn giống như bột lòng trắng trứng, ví dụ như khả năng bông xốp.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định, so với phương pháp nuôi gà lấy lòng trắng trứng thì sản xuất ovalbumin từ nấm giúp giảm diện tích đất sử dụng tới gần 90%, đồng thời giảm khí thải nhà kính 31% – 55%. Dù chưa xác định chính xác cần bao nhiêu năng lượng để sản xuất protein lòng trắng trứng theo cách mới, nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ ít hơn nhiều so với các trang trại nuôi gà. Nếu sử dụng những nguồn năng lượng sạch, họ ước tính có thể giảm tới 72% khí nhà kính.
NT (theo khoahoc.tv)