Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục lập đỉnh

09/05/2022 08:36 Chiều

Chất lượng tài sản xấu đi nhưng lợi nhuận ngành ngân hàng quý đầu năm vẫn duy trì tăng trưởng hai chữ số. Việc tăng trích lập dự phòng là xu hướng chủ đạo khi tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng "xấu" hơn so với đầu năm.

Ba tháng đầu năm, một vài ngân hàng báo mức tăng lợi nhuận cao hơn mặt bằng chung như VPBank, SHB, Eximbank, LienVietPostBank, Sacombank, SeABank.

screenshot-2022-05-09-142502-1-5935-4505

Quý I, VPBank vượt Vietcombank. VietinBank và OCB là số ít nhà băng giảm lợi nhuận.

Đặc biệt với lợi nhuận khủng, VPBank đã soán ngôi đầu bảng lợi nhuận của Vietcombank do ghi nhận khoản thu nhập bất thường hơn 7.000 tỷ đồng – cao hơn nhiều so với lợi nhuận tạo ra được từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Phần lớn khoản thu bất thường này đến từ việc ghi nhận doanh thu trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền vừa được tái ký với AIA.

Trong khi phần lớn ngân hàng chọn cách phân bổ khoản phí trả trước ra nhiều năm, VPBank ghi nhận phần lớn vào một kỳ dẫn đến kết quả kinh doanh quý đầu năm nhảy vọt. Nếu trừ đi khoản thu nhập bất thường, lợi nhuận từ hoạt động chính của VPBank vẫn thua xa so với Vietcombank.

Một nhà băng khác cũng có kết quả quý đầu năm tốt hơn hẳn so với mặt bằng là SHB, nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng tới 90% do thu lãi tiền vay tăng tốt còn chi phí huy động lại giảm.

Xu hướng chung của ngành là lợi nhuận tăng trưởng tích cực, nhưng vẫn có một vài ngoại lệ là VietinBank và OCB. Lợi nhuận của VietinBank và OCB đều giảm mạnh, chủ yếu do chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ăn mòn vào lợi nhuận. Đây cũng là hai nhà băng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng mạnh nhất trong ba tháng đầu năm.

Đơn cử tại VietinBank, lợi nhuận giảm tới 28% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng tăng gần 230% cộng hưởng với thu nhập từ hoạt động tín dụng sụt giảm do có nhóm khách hàng bị ảnh hưởng vì Covid-19. VietinBank cũng là nhà băng có số dư nợ xấu tiềm tàng lớn với dư nợ cơ cấu vì Covid-19 cao gấp 2,5 lần số dư nợ xấu thực tế (tính đến cuối quý III/2021).

Tuy nhiên nhìn vào điểm tích cực, VietinBank nằm trong nhóm ngân hàng tín dụng bật tăng mạnh ngay quý đầu năm – điều không thường thấy ở các năm trước. Dư nợ tín dụng của ngân hàng quốc doanh này tăng 9% so với đầu năm, gần sử dụng hết hạn mức tín dụng được cấp.

Tín dụng toàn hệ thống cũng cho thấy sự tăng tốc khi tăng hơn 5% so với đầu năm, trong khi mức tăng cùng kỳ năm ngoái chưa tới 2,2%. Một số ngân hàng tư nhân ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với mặt bằng chung bao gồm MB, Techcombank, TPBank và HDBank nhờ vào cho vay và mở rộng danh mục trái phiếu (trừ HDBank).

screenshot-2022-05-09-142609-1-3871-2933

Bên cạnh thu nhập chính từ hoạt động tín dụng, nguồn thu dịch vụ là yếu tố quan trọng đóng góp tích cực vào mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng tư nhân trong ba tháng đầu năm.

Nhóm ngân hàng tư nhân ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ tăng tốt nhưng ngược lại, ba ngân hàng có vốn nhà nước Vietcombank, BIDV, VietinBank bị giảm khoản thu này. Lãi thuần từ dịch vụ tại VietinBank đi ngang và giảm mạnh tại Vietcombank (-20%), BIDV (-10%), có thể là do chương trình miễn phí chuyển tiền trực tuyến được khởi động trong vài tháng gần đây.

Nhìn chung, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đều tăng trưởng so với cùng kỳ (trừ OCB). Tuy nhiên, mức độ tăng lợi nhuận trước thuế sẽ có sự biến đổi, tuỳ thuộc vào khoản chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ. Bên cạnh việc trích dự phòng để có nguồn xử lý nợ xấu khi không thu hồi được nợ, các ngân hàng cũng phải trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu vì Covid-19 đang được giữ nguyên nhóm.

Năm nay là năm thứ hai các ngân hàng phải trích lập cho nợ tái cơ cấu vì Covid-19 theo lộ trình ba năm. Trước áp lực này, phần đông ngân hàng đều đẩy chi phí dự phòng lên. Còn tại các nhà băng đã chủ động trích lập đủ 100% cho dư nợ tái cơ cấu như Techcombank, ACB và Vietcombank, gánh nặng trích lập giảm xuống trong quý đầu năm nay.

Việc tăng trích lập dự phòng là xu hướng chủ đạo khi tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng “xấu” hơn so với đầu năm. Nợ quá hạn nhưng chưa thành nợ xấu (nợ nhóm 2) cũng gia tăng tại hầu hết ngân hàng, đặc biệt tại SHB (tăng 90%) và OCB (tăng 97%).

screenshot-2022-05-09-142805-1-7495-8556

Tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2021 tại nhiều ngân hàng nhưng cũng đang được kiểm soát dưới mức năm 2020 và 2019. Công ty chứng khoán SSI cũng đánh giá, chất lượng tài sản tại nhiều ngân hàng xấu đi do một số khoản vay hết thời hạn cơ cấu, nhưng đây cũng chưa phải là vấn đề đáng lo ngại. Tất nhiên, áp lực dự phòng với nhiều ngân hàng vẫn ở mức cao.

SSI cũng cho rằng, kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng quý đầu năm chưa phản ánh đầy đủ tác động của những động thái siết hoạt động cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần đây.

Dự báo cho cả năm, nhiều đơn vị đều đánh giá lợi nhuận toàn ngành vẫn tăng trưởng tích cực nhưng sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt. Theo công ty chứng khoán Vietcombank, tiềm năng tăng trưởng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% bao gồm BIDV, MB, Techcombank, ACB, TPBank, MSB. Bên cạnh đó, Vietcombank và MB là hai cái tên có lợi thế về tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 nhờ kế hoạch tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng “0 đồng”.

Theo VnExpress

Cùng chuyên mục

Cung ứng đủ tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022

09/12/2021 07:32 Chiều

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngành ngân hàng bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.

Cán bộ ngân hàng Vietcombank góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng

08/11/2023 05:06 Chiều

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Thầy của Cách mạng Việt Nam. Người đã đi xa nhưng tư tưởng và sự nghiệp Cách mạng của Người luôn luôn là tấm gương sáng, là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của chúng ta.

Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài

14/02/2023 05:18 Chiều

Tỷ giá đã qua giai đoạn căng thẳng với việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, qua đó bơm VND hỗ trợ thanh khoản. Lợi tức trái phiếu chính phủ và và một số ngân hàng cũng giảm nhẹ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài. Tuy nhiên, áp lực từ lạm phát và tỷ giá vẫn sẽ là rào cản với nỗ lực hạ lãi suất trong nửa đầu năm 2023.

Ngân hàng kỳ vọng tăng thu từ dịch vụ

18/03/2022 03:00 Chiều

Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng thu dịch vụ với mức tăng trưởng khá cao. Các ngân hàng chuyển hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng để phát triển bền vững, nhất là trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Ngân hàng Nhà nước: Không có quy định dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành

01/12/2021 01:11 Chiều

Ngày 30/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản số 8458/NHNN-TT về việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Đối tác