Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo phương án tuyển sinh năm 2022 của Trường ĐH Kinh tế-luật, trường sẽ xét tuyển theo 5 phương thức. Trong đó, dành tỷ lệ khá lớn chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Theo đó các tổ hợp môn xét tuyển gồm: A00 (toán-lý-hóa), A01 (toán-lý-tiếng Anh), D01 (toán-văn-tiếng Anh), D07 (toán-hóa-tiếng Anh).
Phương thức 1 xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng, tối đa 5% tổng chỉ tiêu. Trong đó, thứ nhất là thực hiện theo quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy của Bộ GD-ĐT. Ngưỡng xét tuyển là kết quả học THPT đạt từ 8,0 trở lên.
Thứ hai là ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022 theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM. Hiệu trưởng, ban giám hiệu giới thiệu 1 thí sinh giỏi nhất trường THPT theo 2 tiêu chí chính: Học lực giỏi và hạnh kiểm tốt trong 3 năm THPT; điểm trung bình cộng học lực 3 năm THPT thuộc nhóm 3 học sinh cao nhất.
Các tiêu chí kết hợp gồm: Giấy chứng nhận hoặc giấy khen đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố giải nhất, nhì, ba; Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; Giấy chứng nhận hoặc giấy khen, hồ sơ khác liên quan đến thành tích học tập, rèn luyện trong quá trình học THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển tối đa 3 nguyện vọng vào 1 trường ĐH thành viên, khoa và phân hiệu trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM (chỉ giới hạn 1 đơn vị).
Phương thức 2 ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, tối đa 20% tổng chỉ tiêu. Danh sách các trường THPT do ĐH Quốc gia TP.HCM quy định. Điều kiện là tốt nghiệp THPT năm 2022; đạt danh hiệu học sinh giỏi trong năm lớp 10, 11 và 12 hoặc là thành viên đội tuyển của trường, tỉnh thành tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hay cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Thí sinh cũng cần có hạnh kiểm tốt trong năm lớp 10, 11 và 12. Thí sinh chỉ đủ điều kiện trúng tuyển khi điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 môn tổ hợp xét tuyển A00 hoặc A01, D01 hoặc D07 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Phương thức 3 xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, với khoảng 30% đến 60% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 4 xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2022 cho khoảng 40% – 60% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 5 xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, ACT…) kết hợp với kết quả học THPT. Phương thức này áp dụng đối với học sinh Việt Nam và học sinh có quốc tịch nước ngoài học chương trình THPT quốc tế bằng tiếng Anh hoặc chương trình THPT trong nước. Các chương trình được áp dụng phương thức này gồm: Chất lượng cao, chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.
Phương thức này áp dụng cho tối đa 10% tổng chỉ tiêu, trong đó không quá 20% tổng chỉ tiêu của các chương trình chất lượng cao, không quá 50% tổng chỉ tiêu của các chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp.
Điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh có điểm trung bình học tập THPT từ 7,0 (thang điểm 10); hoặc 2,5 (thang điểm 4); hoặc từ 8 (thang điểm 12). Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ IELTS 5,0 trở lên hoặc chứng chỉ quốc tế ACT từ 25 điểm hoặc SAT từ 1.100 điểm trở lên. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Pháp từ tương đương DELF B1 trở lên hoặc tham gia thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp được xét tuyển đối với chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp.
Trước Trường ĐH Kinh tế-luật, nhiều trường thành viên khác thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Trong đó, nhiều phương thức mới được nhiều trường áp dụng cho một phần chỉ tiêu như: xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, kết hợp xét tuyển các tiêu chí hoạt động xã hội và văn nghệ, thể thao…
Theo Hà Ánh/TNO