Theo thống kê, xuất khẩu rau, quả trong tháng 9-2023 ước đạt 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau, quả đạt 4,134 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các nhóm rau, quả, sầu riêng, chuối, thanh long đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành hàng này. Đáng chú ý, sầu riêng từ vị trí thứ 4 đã vươn lên vị trí số một trong nhóm các loại quả xuất khẩu, vượt chuối và thanh long để gia nhập nhóm trái cây tỷ USD. Dự kiến, trong tháng tới, xuất khẩu sầu riêng dự báo có thể cán mốc 1,5 tỷ USD.
Về thị trường nhập khẩu, hiện Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Hoa Kỳ, Thái Lan, Australia là những thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau, quả lớn nhất. Tính chung 8 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau, quả sang Trung Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo, rau quả xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, dự báo, xuất khẩu cả năm 2023, ngành hàng rau, quả có thể đạt hơn 5,5 tỷ USD. Trong khi đó, qua thống kê quý III và quý IV-2023, cả nước có khoảng 7,6 triệu tấn trái cây chủ lực các loại đưa ra tiêu thụ.
Mặc dù xuất khẩu rau, quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, song các doanh nghiệp xuất khẩu cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu.
Đáng lưu ý, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã nhận được một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp và các địa phương cần kiểm soát tốt để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu.
Theo baodansinh.vn