Ảnh minh họa.
Việc các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên cả nước trong 2 tháng đầu năm tăng hơn 55% về số lượng và tăng hơn gấp đôi về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái đã cho thấy chất lượng và quy mô của các dự án ngày càng cao.
Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ xây dựng nhà xưởng mà còn cả các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam. Từ đó, cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhiều hơn. Vấn đề còn lại là năng lực tận dụng cơ hội này đến đâu để cả 2 bên cùng thắng.
Với quy mô 200ha, được đầu tư 66 triệu USD, trang trại lợn giống cụ kỵ vừa đi vào vận hành năm 2023. Đây là kết quả liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với tập đoàn của Hà Lan xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại cung cấp các nguồn giống có chất lượng. Việc vận hành dự án này giúp doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi cung ứng với 5 nhà đầu tư nước ngoài theo mô hình kinh tế tuần hoàn, để xuất khẩu sản phẩm thịt chất lượng cao sang các thị trường khó tính.
“Chúng tôi tập trung vào chăn nuôi, còn có một công ty chuyên về giống, chuyên nhà máy giết mổ, thành lập hệ thống liên kết chuỗi. Họ mang tới giúp cho người nông dân về giải pháp khí thải, carbon, cùng các cơ chế chính sách, cùng phối hợp với họ như vậy giá trị chuỗi sáng mang lại rất cao”, ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết.
Thực phẩm, đồ uống, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy là những ngành liên kết mạnh mẽ nhất giữa doanh nghiệp trong nước và FDI khi đã tận dụng cơ hội phục hồi của các sản phẩm thiết yếu sau Covid 19. Các doanh nghiệp FDI chuyển sang chuỗi liên kết sản xuất bền vững thay cho các mô hình sản xuất manh mún, dễ bị đứt gãy trong chuỗi giá trị.
Ông Dominic Michele – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: “Chúng tôi đang nhận thấy quá trình chuyển dịch dòng đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ít phát hải, bán dẫn, sản xuất điện tử, ô tô điện. Chúng tôi đánh giá cao giải pháp để các doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng bền vững thời gian qua, dĩ nhiên cùng với đó là năng lực thực thi ở cấp địa phương có như vậy doanh nghiệp 2 bên mới cùng phát huy hiệu quả trong chuỗi sản xuất”.
Tuy nhiên, theo các hiệp hội nhà đầu tư, có tới 90% doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào nội địa thì tại Việt Nam tỷ lệ này lại khá khiêm tốn. Khả năng tham gia chuỗi cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp Việt còn hạn chế, nhất là khi quá trình chuyển đổi xanh ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.
Ông Hong Sun – Chủ tịch Hiêp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết: “Các nhà máy, khu công nghiệp xanh của nhà đầu tư Hàn Quốc trong các lĩnh vực điện, điện tử, bán dẫn đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đòi hỏi hàng nghìn nhân sự chất lượng cao, hay việc đáp ứng tiêu chuẩn của các doanh nghiệp nội địa. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần 2 bên cùng thắng của Chính phủ. Đây sẽ là định hướng để các bộ ngành, địa phương và cả doanh nghiệp đầu tư tham gia nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội địa”.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cần sớm có các giải pháp tháo gỡ, bổ sung công nghệ xanh trong các dự án năng lượng bền vững, quản lý chất thải và xử lý nước. Cùng với đó là đầu tư, nâng cao kỹ năng, đào tạo lại lực lượng lao động Việt Nam sẽ giúp tăng năng suất tổng thể, đồng thời định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp FDI.