Nâng tầm kỹ năng lao động, “chìa khóa vàng” cho hội nhập

22/09/2021 11:07 Sáng

Sự phát triển của nền kinh tế đang đặt ra yêu cầu đối với nguồn lao động trong nước nhưng tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao vẫn đang là vấn đề cần giải quyết. Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nâng tầm kỹ năng lao động, "chìa khóa" vàng cho hội nhập - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” tháng 11/2019 (Ảnh tư liệu)

Kỹ năng nghề: “Chìa khóa” nâng cao năng suất lao động

Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, cũng như tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu về nâng tầm kỹ năng lao động đang trở nên hết sức cần thiết đối với mọi quốc gia. Việc nâng tầm kỹ năng lao động sẽ làm gia tăng chất lượng và hiệu quả lao động, là nhân tố hết sức quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội.

Vì thế, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề là “chìa khóa” để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Trương Anh Dũng khẳng định, các cơ quan chức năng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

Viện dẫn, những quốc gia có năng suất lao động cao thường có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển và lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao, ông Trương Anh Dũng khẳng định, quốc gia nào “càng nhiều lao động vững kỹ năng nghề, càng thu hút nhiều nhà đầu tư”.

Nâng tầm kỹ năng lao động, "chìa khóa" vàng cho hội nhập - Ảnh 2.

Trương Thế Diệu, thí sinh đạt huy chương bạc tại Kỳ thi Tay nghề thế giới 2019 tại Nga. (Ảnh minh họa)

Ở nước ta, với 5/8 bậc trong khung trình độ quốc gia, có vị trí, vai trò quan trọng vì tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở nước ta được quan tâm, đầu tư phát triển về nhiều mặt.

“Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 2 triệu lượt người, vượt kế hoạch đề ra. Sau khi ra trường, hơn 85% số người học nghề có việc làm, với thu nhập tốt”, ông Trương Anh Dũng cho biết.

Những kết quả đạt được trong giáo dục nghề nghiệp kể trên, đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,6% vào năm 2018, lên khoảng 65% vào năm 2020. Tỷ lệ lao động có bằng hoặc chứng chỉ cũng tăng từ 22,2% năm 2018, lên 25% vào năm 2020.

“Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, với tốc độ tăng trung bình 5,8%/năm. Sự chuyển biến tích cực đó góp phần nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia so với năm 2018…”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nói.

Nâng tầm kỹ năng lao động, "chìa khóa" vàng cho hội nhập - Ảnh 3.

Đoàn Việt Nam tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 12/2018 tại Thái Lan (Ảnh tư liệu)

Thiết kế hệ thống GDNN thích ứng với thị trường lao động

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến quý II/2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2021 là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2021 là 26,1%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 41,1%, cao hơn 2,3 lần so với khu vực nông thôn (17,6%).

Những con số thống kê cho thấy lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tỷ lệ quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện tại và cũng như trong tương lai.

Do đó, với lợi thế là quốc gia đang ở giai đoạn dân số vàng, các chuyên gia khẳng định, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng và chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia; nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế – xã hội để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào năm 2030, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển hoặc nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trước tầm quan trọng đó, nâng cao kỹ năng lao động càng phải chú trọng hơn bao giờ hết, khi Đảng và Nhà nước đang coi nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược. Để thực hiện đột phá chiến lược này, chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực, và trên thực tế, Phó GS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Giáo dục Quốc gia Việt Nam đánh giá, những năm vừa qua, nhân lực có những bước phát triển tốt.

Nâng tầm kỹ năng lao động, "chìa khóa" vàng cho hội nhập - Ảnh 4.

Bối cảnh hội nhập, kỹ năng nghề chất lượng cao là đòi hỏi tất yếu, đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ sự đồng thuận. Đại biểu cho rằng: “5 năm qua, dưới sự dẫn dắt của tư lệnh Đào Ngọc Dung, đã thay đổi được tư duy chiến lược về giải quyết việc làm, hướng việc làm đi vào thị trường lao động linh hoạt hiện đại với xu hướng hội nhập, từng bước chuyển dần sang thay thế năng suất lao động từ phổ thông sang dần lao động chuyên môn có trình độ kỹ thuật cao. Và việc làm có tính chất bền vững hơn”.

Về điều này, TS. NGƯT Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng: “Bên cạnh sự cố gắng, quyết tâm của từng người lao động để thay đổi kỹ năng của mình phù hợp với xu thế, cũng như đối phó với những thách thức trước mắt, thì với các cơ sở giáo dục như chúng tôi phải không ngừng nâng cao, đổi mới chương trình, cơ sở vật chất thiết bị, mô hình quản lý, gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo lao động tay nghề cao. Về phía doanh nghiệp, cũng cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để đáp ứng với sự thay đổi của xã hội, của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất của mình”.

Để đáp ứng nâng cao kỹ năng lao động, với những chuyển động rõ nét những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp tục cần được đổi mới hơn nữa. Theo ông Trương Anh Dũng, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động cũng như sự phát triển bền vững của đất nước, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được chú trọng cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Hiệu quả của hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ được đo bằng tiêu chí “chấp nhận của thị trường lao động”.

Ngoài ra, các bên liên quan sẽ thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả; tăng cường đầu tư các trường nghề chất lượng cao, tập trung đào tạo các nghề trọng điểm… Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN công nhận.

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp và người lao động, chắc chắn, kỹ năng của lao động Việt Nam sẽ “cất cánh”, góp phần quan trọng thực hiện hiện khát vọng mạnh mẽ xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ của 5 năm tới (2021- 2026) đó là chuyển đổi kỹ năng cho người lao động nhằm mục tiêu phát triển bao trùm bền vững với 3 trụ cột cơ bản là kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh bền vững.

Phải nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 70-75%, trong đó tỷ lệ có chứng chỉ, bằng cấp đạt 30% (hết nhiệm kỳ 2021-2025) tiến đến 40% vào năm 2030. Đây là tỉ lệ tương đương mặt bằng chung các nước phát triển.

“Nghị quyết Đại hội 13 nhấn mạnh việc phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Điều đó đã đặt ra mục tiêu thời gian tới của ngành phải khơi dậy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đổi mới và nâng cao chất lượng Giaos dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt và mở”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỉ lệ lao động khu vực phi chính thức. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Thanh Nhung

Cùng chuyên mục

Chỉ đạo ‘nóng’ của Thủ tướng về thời hạn chấm dứt nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, gỡ thẻ vàng IUU

09/09/2021 06:40 Sáng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng. Ngày 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận, huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn

Số ca mắc COVID-19 nặng, nguy kịch ở nước ta đã giảm 9,7%

26/09/2021 07:19 Sáng

Tính đến trưa ngày 25/9, Việt Nam còn hơn 297.600 bệnh nhân COVID-19 đang theo dõi, điều trị. So với trung bình 1 tuần trước, số ca nặng, nguy kịch đã giảm 9,7%.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD ngày càng thực chất

19/10/2022 05:12 Chiều

Chiều ngày 18/10/2022 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhân dịp tham dự các hoạt động trong Chương trình Đông Nam Á của OECD năm 2022 tại Hà Nội.

Hải quan không xử phạt vi phạm hành chính với lý do tác động từ dịch COVID-19

20/09/2021 04:42 Chiều

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và công chức hải quan trong việc thực thi các quy định, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Kiểm tra sau thông quan khi xem xét không xử phạt vi phạm hành chính với lý do tác động từ dịch COVID-19 phải căn cứ các quy định và hồ sơ vụ việc cụ thể.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh: Sau một năm triển khai EVFTA đã đáp ứng được kỳ vọng về kim ngạch thương mại

05/11/2021 07:59 Sáng

Chiều ngày 4/11, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm ‘Một năm thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp’ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đối tác