Một ngân hàng lớn khu vực phía Nam mới đây đã có văn bản gửi tới các chi nhánh chỉ đạo việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022. Theo đó, ngân hàng này yêu cầu các chi nhánh tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics,…
Ngân hàng bắt đầu siết mạnh cho vay bất động sản. |
Đồng thời, ngân hàng sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa bất động sản để ở. Nhà băng này cũng không thực hiện huy động – cho vay cầm cố sổ cùng lúc.
Được biết, nội dung văn bản này yêu cầu Giám đốc khu vực, Giám đốc chi nhánh và Trưởng phòng giao dịch điều hành tín dụng đến ngày 30/6 tới.
Một ngân hàng khác cũng thông báo về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản. Theo đó, khối ngân hàng bán lẻ nhà băng này yêu cầu các đơn vị kinh doanh tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ 25/3. Các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để rời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 1/4.
Trước đó, ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/2022 của Chính phủ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các nhà băng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Trong những năm qua, tăng trưởng tín dụng bất động sản đã giảm đáng kể. Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực BĐS từ mức trên 26% trong năm 2018, giảm còn 12% trong năm 2020 và duy trì ở mức khoảng 12% trong năm 2021. Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Hồi đầu năm, Phó Thống đốc Ngân hang Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đối với bất động sản và trái phiếu, chứng khoán của các doanh nghiệp có biểu hiện chưa lành mạnh, hệ thống ngân hàng không những không tăng thêm vốn vào những lĩnh vực rủi ro này mà còn tăng cường kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện. Còn những bất động sản mang tính đầu cơ hoặc thuộc dự án lớn có độ rủi ro cao vẫn sẽ được giám sát chặt chẽ.
Không chỉ siết vay vốn, Thông tư 16/2021 có hiệu lực từ 15/1 cũng quy định chặt chẽ về việc mua bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Đây được xem là chiếc van hạn chế và kiểm soát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào bất động sản qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.