Ngân hàng kỳ vọng tăng thu từ dịch vụ

18/03/2022 03:00 Chiều

Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng thu dịch vụ với mức tăng trưởng khá cao. Các ngân hàng chuyển hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng để phát triển bền vững, nhất là trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị đầu tư quốc tế theo chuỗi sự kiện của Quỹ quốc tế EFG Hermes mới đây, đại diện HDBank cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2022 định hướng thu nhập hoạt động tăng 23-25% so với năm cùng kỳ; trong đó doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm sẽ tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng này đặt mục tiêu vào mảng bảo hiểm do có lợi thế cạnh tranh ở các thị trường đô thị loại hai và nông thôn – nơi người dân bắt đầu quan tâm hơn đối với các sản phẩm bảo hiểm.

2458-at5-copy-1647568691-6063-1647568926

HDBank định hướng thu nhập doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm sẽ tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021 thu nhập từ dịch vụ của HDBank tăng 103%, với sự tăng trưởng vượt bậc của mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng với doanh thu gấp 6 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng làm cho ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) như các sản phẩm trực tuyến như mở LC trực tuyến, mở thẻ tín dụng trực tuyến…

Chuyển đổi số cũng là điểm tựa để tăng thu dịch vụ ở MSB năm 2021 khi nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng tăng đến 92% so với năm trước đó, đóng góp quan trọng vào tăng doanh thu từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối… Tiếp đà thành công năm trước, MSB đặt kế hoạch năm 2022 sẽ vào nhóm ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất trong hệ thống, duy trì được tốc độ tăng trưởng của mảng phi tín dụng.

Một số ngân hàng gần đây còn mở rộng hơp tác với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để thực hiện các giao dịch vốn tạo doanh thu tăng dịch vụ ngoài tín dụng. Chẳng hạn, SCB vừa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM). Theo đó SCB sẽ là đối tác ưu tiên của TVEM trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ trong giao dịch huy động vốn, thu xếp tài chính, giao dịch đầu tư, hợp tác đầu tư. VPBank cũng mới mua lại trên 97% cổ phần của chứng khoán ASC và đổi tên thành VPBank Securities, từ đó mở ra khả năng tăng thu ở mảng phi tín dụng sẽ cao hơn năm 2021.

Không chỉ các ngân hàng nội, mà thu từ dịch vụ đã được các ngân hàng nước ngoài lựa chọn từ khá sớm và đang tiếp tục được đẩy mạnh. Chẳng hạn HSBC Việt Nam vừa hợp tác chiến lược với công ty quản lý Quỹ VinaCapital, một trong những nhà quản lý đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, trong việc kết nối các nhà đầu tư cá nhân với sản phẩm chứng chỉ quỹ của VinaCapital. Trước mắt, sự hợp tác này hướng đến hỗ trợ nhóm khách hàng cao cấp, mở ra nhiều cơ hội cho khách hàng của HSBC tiếp cận các sản phẩm đầu tư. Các khách hàng HSBC Premier sẽ được giới thiệu bốn quỹ mở do VinaCapital quản lý, bao gồm Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF), Quỹ đầu tư cân bằng tuệ sáng VinaCapital (VIBF), Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF), và Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF).

Những động thái trên cho thấy thị trường chứng khoán sôi động đã thúc đẩy ngân hàng hợp tác với công ty chứng khoán để bán chéo sản phẩm tăng thu dịch vụ. Kết quả kinh doanh năm 2021 của các ngân hàng niêm yết cho thấy dịch vụ chứng khoán có thu nhập khá cao ở một số ngân hàng. Tại Techcombank, hoạt động của công ty chứng khoán (TCBS) trực thuộc ngân hàng này rất khả quan; khoản thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (3.600 tỷ đồng tăng 32,8% so với cùng kỳ) trong mảng dịch vụ của ngân hàng này năm 2021. Bên cạnh đó, hoạt động phân phối trái phiếu cũng tăng 57,4% và phí từ các dịch vụ khác tăng 66,7%.

Những hình thức hợp tác giữa ngân hàng với công ty quản lý quỹ và chứng khoán, bảo hiểm… nhằm tận dụng lợi thế của nhau để bán chéo sản phẩm tiết kiệm chi phí và làm tăng thu dịch vụ cho ngân hàng nhưng cũng cần tách bạch minh bạch mới đảm bảo an toàn hiệu quả cho ngân hàng.

Theo các chuyên gia tài chính, phát triển dịch vụ là một xu hướng tất yếu của các ngân hàng để giảm phụ thuộc vào thu nhập từ tín dụng. Điều này cũng phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng ở mức từ 16-17% tổng thu nhập.

Theo Thời Báo Ngân Hàng

Cùng chuyên mục

PVcomBank và Vemanti Group ký kết hợp đồng nền tảng ngân hàng kỹ thuật số

24/03/2022 10:26 Sáng

Ngày 21/03/2022, tại Trụ sở chính 22 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm - Hà Nội), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và Vemanti Group (Hoa Kỳ) đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc thiết kế, phát triển, cung cấp nền tảng ngân hàng kỹ thuật số dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Sự kiện lần này cho thấy bước tiến mới trong việc hợp tác giữa 2 bên và góp phần đẩy mạnh tiến trình số hóa tại PVcomBank.

Lãi suất ngân hàng tăng: Tình hình thị trường và xu hướng mới

15/08/2024 10:06 Sáng

Ngày 13/8/2024, lãi suất ngân hàng ghi nhận sự thay đổi lớn. Trong khi 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 8, một ngân hàng giảm lãi suất. Đặc biệt, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên trên 5%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm

20/06/2023 03:44 Chiều

Ngày 17/6, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tiếp tục được điều chỉnh giảm ngay sau công bố giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vào chiều 16/6.

Cán bộ ngân hàng Vietcombank góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng

08/11/2023 05:06 Chiều

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Thầy của Cách mạng Việt Nam. Người đã đi xa nhưng tư tưởng và sự nghiệp Cách mạng của Người luôn luôn là tấm gương sáng, là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của chúng ta.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất

15/11/2021 03:40 Chiều

Khảo sát trên thị trường, lãi suất tiền gửi được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1 - 0,3% ở kỳ hạn dưới 3 tháng và từ 12 tháng trở lên.

Đối tác