Trong tuần từ ngày 31/10-4/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ra thị trường qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) tổng cộng gần 58.175 tỷ đồng, tất cả với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất đều ở mức 6%/năm. Trong khi đó, NHNN đáo hạn gần 37.176 tỷ đồng số giấy tờ có giá trong 5 phiên liền trước đó, tất cả đều có kỳ hạn 7 ngày. Như vậy, qua kênh OMO, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng gần 21.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Cũng trong tuần từ 31/10-4/11, NHNN tạm dừng hoạt động phát hành tín phiếu mới, không hút tiền về trong ba phiên liên tiếp từ 2-4/11, chỉ phát hành tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng trong hai phiên đầu tuần 31/10 và 1/11 với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất cũng ở mức 6%/năm.
Trong khi đó, NHNN bơm ra tổng cộng gần 73.099 tỷ đồng từ tín phiếu đáo hạn trong 5 phiên trước đó.
Qua kênh tín phiếu, NHNN bơm ra tổng cộng 53.099 tỷ đồng ra thị trường trong tuần 31/10-4/11. Tổng cộng, qua hai kênh, trong tuần từ ngày 31/10-4/11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra 74.099 tỷ đồng.
Cường độ bơm tiền có xu hướng mạnh hơn, khi tất cả các khoản ngân hàng thương mại vay qua giấy tờ có giá trong tuần 31/10-4/11 đều có kỳ hạn 14 ngày, gấp đôi kỳ hạn 7 ngày trong tuần liền trước.
Hoạt động bơm ròng tiền diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có dấu hiệu ổn định trở lại, sau khi giá USD tại Vietcombank tăng vọt khoảng 3,6% trong tháng 10, từ mức 24.010 đồng/USD hôm 30/9 lên 24.881 đồng/USD hôm 1/11.
Tính từ đầu năm 2022 đến 31/10, giá bán USD tại Vietcombank tăng 8,55%. Trong tuần 31/10-4/11, giá USD bán ra tại Vietcombank ổn định quanh mức 24.870-24.880 đồng/USD. Lạm phát tháng 9 ghi nhận ở mức 3,94% (so với cùng kỳ).
Giấy tờ có giá là một loại tài sản theo luật dân sự. Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN thì giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.
Nguồn: Doanhnghiephoinhap.vn