Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12%

07/01/2021 08:13 Chiều

Chiều 7/1, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 diễn ra ở Tp.Hồ Chí Minh, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở tính toán và cân đối, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 là 12%, gần tương đương với kết quả tăng trưởng tín dụng của năm 2020 là 12,13%.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2021 không phải là con số cố định, pháp lệnh buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ mà là con số trong định hướng điều hành của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết.

Cụ thể, trong trường hợp hết dịch COVID-19, nền kinh tế cần khôi phục nhanh, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhu cầu tín dụng nhiều hơn nữa thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động mở rộng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Ngược lại, khi nền kinh tế có dấu hiệu cần kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo hài hòa với mục tiêu lạm phát thì con số tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn 12%.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2021. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng Chính phủ nội dung sửa đổi Thông tư 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các ngân hàng thương mại.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.

Tuy vậy, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,65%).

H.Chung (TTXVN)

Cùng chuyên mục

Ngân hàng triển khai thêm kênh bán vàng trực tuyến

12/06/2024 03:58 Chiều

Khách hàng có thể đăng ký mua vàng miếng SJC theo địa điểm mong muốn và được xác nhận lịch hẹn rõ ràng mà không cần phải đến trực tiếp để xếp hàng và lấy số giao dịch.

Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành

24/09/2022 10:26 Chiều

Ngày 22/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất

15/11/2021 03:40 Chiều

Khảo sát trên thị trường, lãi suất tiền gửi được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1 - 0,3% ở kỳ hạn dưới 3 tháng và từ 12 tháng trở lên.

Thống đốc yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất khoản vay cũ

28/12/2020 05:26 Chiều

Các ngân hàng cần giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm tới để giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là khoản vay cũ và trung, dài hạn. Đó là yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại mới đây.

Đối tác