Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan cho biết, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu sản xuất thay thế nhập khẩu và từng bước tiến tới xuất khẩu. Trong quá trình phát triển, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia và cam kết.
Theo bà Hồng, với quyết tâm tháo gỡ nút thắt cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển, cũng như thực hiện có hiệu quả các cam kết tại FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Bà Hồng cho biết, trong chính sách thuế nhập khẩu, theo Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô: Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về sản lượng tối thiểu và các điều kiện khác (về linh kiện, mẫu xe, tiêu chuẩn khí thải, kỳ xét ưu đãi, hồ sơ, thủ tục) thì được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Chương trình ưu đãi thuế quan này được áp dụng trong 5 năm (từ năm 2018 đến hết 2022), tiếp đó được Chính phủ gia hạn đến năm 2027.
“Về Chương trình ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô giai đoạn năm 2020- 2024: nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm nằm trong Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô để cung ứng linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%”, bà Hông nhấn mạnh.
Trong tham luận của mình, ông Trương Bình An – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hải Phòng cho hay, hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu ôtô, linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô qua cảng Hải Phòng đều là doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có uy tín (như Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh VINFAST; Công ty TNHH Ford Việt Nam; Công ty ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam…).
Theo ông An, hàng hóa nhập khẩu qua cảng Hải Phòng, được thực hiện thủ tục hải quan tại các Cục Hải quan địa phương như Cục Hải quan TP. Hải Phòng, Cục Hải quan TP. Hà Nội… Phần lớn các doanh nghiệp nhập khẩu kể trên đều được đánh giá là doanh nghiệp tuân thủ (xếp hạng doanh nghiệp rủi ro thấp và trung bình).
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hải Phòng cho rằng, với phương châm của Chính phủ “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, Hải quan thành phố Hải Phòng đã xác định cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành.
“Thông qua các hội nghị đối thoại doanh nghiệp, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng kịp thời thông tin về các chính sách, thủ tục hành chính mới ban hành tới doanh nghiệp. Ngoài ra, với tinh thần cầu thị, lắng nghe và chia sẻ, giải đáp vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp logistics, qua đó, giúp doanh nghiệp hiểu và nâng cao năng lực tuân thủ, hạn chế lỗi, sai sót mắc phải khi thực hiện thủ tục hải quan cũng như để tạo thuận lợi hơn nữa trong hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan và hiện thực hóa cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Trương Bình An chia sẻ.
Ông An khẳng định, để tạo thuận lợi thương mại trong công tác kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá hải quan đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, có ý thức hợp tác, công tác này giúp giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan và giải phóng hàng, giảm khối lượng công việc cho cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác khai báo, kiểm tra, xác định trị giá hải quan.
Ông An cho biết, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, vật tư để sản xuất, lắp ráp xe ô tô và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô thuộc Chương trình ưu đãi thuế và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đóng trên địa bàn quản lý.
Nguồn: doanhnghiephoinhap