Lập trình đóng vai trò then chốt tại Bosch. Với vị thế là nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ hàng đầu, Bosch đang mở rộng hoạt động kinh doanh với mảng phần mềm và dịch vụ. Đến cuối thập kỷ, Bosch đặt mục tiêu đạt doanh thu tỷ đô từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.
“Bosch từ lâu đã không chỉ là một công ty sản xuất mà còn là một công ty phát triển về phần mềm,” ông Stefan Hartung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bosch, cho biết tại sự kiện Bosch Tech Day 2024 diễn ra tại Renningen. “Với chuyên môn sâu rộng về các lĩnh vực xuyên suốt tập đoàn, chúng tôi có thể tích hợp trực tiếp các dòng mã code vào chính những sản phẩm. Làm việc với phương châm “Sáng tạo vì cuộc sống”, phần mềm trong các sản phẩm của chúng tôi luôn hướng đến giúp cải thiện đời sống của khách hàng.”
Phần mềm Bosch đã có mặt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trải dài từ dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp lớn, xưởng sửa chữa ô tô đến trang thiết bị y tế. Các phần mềm được thiết kế với nhiều chức năng khác nhau, ví dụ cảnh báo tài xế về xe đi ngược chiều, bảo vệ tài sản có giá trị, điều khiển hệ thống kỹ thuật tòa nhà, và thậm chí hoạt động trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tổng cộng, 48.000 nhân viên của Bosch đang làm việc với vai trò lập trình viên phần mềm, trong đó có 42.000 người chỉ tính riêng lĩnh vực Giải pháp Di động (Mobility).
“Sự lên ngôi của công nghệ phần mềm sẽ cách mạng hóa hoàn toàn ngành công nghiệp ô tô hiện tại,” ông Hartung khẳng định. “Trong tương lai, ô tô sẽ trở thành một phần của thế giới kỹ thuật số. Điều này có nghĩa xe hơi trong tương lai sẽ không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển cố định mà còn có khả năng cập nhật và cải tiến liên tục.” Theo ông Markus Heyn, thành viên hội đồng quản trị Bosch và Chủ tịch lĩnh vực Giải pháp Di động (Mobility), xe hơi sẽ được trang bị các chức năng mới không phải thông qua việc đến xưởng sửa chữa mà thông qua việc cập nhật phần mềm từ xa qua mạng không dây (over-the-air).
“Công nghệ của Bosch sẽ đồng nghĩa với việc giúp xe hơi “lão hóa” chậm hơn,” ông Markus Heyn nhấn mạnh. Và không chỉ ô tô, xe tải, xe máy và xe đạp điện cũng sẽ nhận được các chức năng an toàn và tiện lợi mới thông qua bản cập nhật. Kể từ khi ra mắt hệ thống thông minh cho xe đạp điện vào cuối năm 2021, Bosch đã triển khai khoảng 70 tính năng và cải tiến mới thông qua ứng dụng eBike Flow – từ tính năng báo động và theo dõi đến các chế độ lái mới.
Khai phá tiềm năng của công nghệ phần mềm vượt qua giới hạn hiện có
Phần mềm và dịch vụ kỹ thuật số giờ đây đã trở thành một trong những trụ cột chính cho sự thành công của Bosch – có thể nói đây là động lực và chất xúc tác thúc đẩy đổi mới vượt qua ranh giới hiện tại giữa các doanh nghiệp và thị trường. Với kiến thức chuyên sâu và chuyên môn rộng rãi trong lĩnh vực di chuyển thông minh, sản xuất và công nghệ xây dựng, Bosch đang là đối tác được các công ty hàng đầu trong lĩnh vực IT tin tưởng và đồng hành.
“Để khai thác tối đa tiềm năng khổng lồ của phần mềm và AI, rất ít công ty có thể tự mình thực hiện được điều này. Do vậy, chúng tôi cần những sự hợp tác bình đẳng giữa các doanh nghiệp cho phép các công ty chia sẻ chuyên môn và nguồn lực của mình, từ đó tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh quá trình phát triển. Trong bối cảnh này, phần mềm mã nguồn mở cung cấp một nền tảng hợp tác tự nhiên, khuyến khích các nhà phát triển từ các công ty khác nhau cùng nhau làm việc để cải thiện phần mềm. Mô hình này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thúc đẩy đổi mới và tạo ra các giải pháp được tiêu chuẩn,” ông Hartung chia sẻ.
Bên cạnh đó, những nhà hoạch định chính sách cũng có thể đóng một vai trò quan trọng: trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) – ngày càng trở nên quan trọng đối với phát triển phần mềm, các công ty cần có sự chắc chắn về kế hoạch và đầu tư. Điều đó cũng áp dụng cho Đạo luật AI gần đây được Liên minh châu Âu thông qua. “EU hiện cần phải nhanh chóng chuyển đổi Đạo luật AI thành các tiêu chuẩn, và thiết lập các quy định cần thiết sẽ giúp nâng cao tốc độ phát triển của các công nghệ hiện nay,” ông Hartung nói thêm.
Kỷ nguyên của xe cộ được tích hợp phần mềm tiên tiến bắt đầu từ đây
Trong ngành công nghiệp ô tô, có xu hướng mới với tên gọi: software-defined vehicle, nhằm chỉ những chiếc xe có khả năng được cập nhật thông qua phần mềm thay vì nâng cấp phần cứng. Phần mềm nhanh chóng trở thành điểm khởi đầu cho việc thiết kế và phát triển các mẫu xe mới. Theo nghiên cứu gần đây của McKinsey, thị trường toàn cầu dành cho phần mềm và điện tử ô tô sẽ đạt 462 tỷ đô la vào năm 2030. Từ năm 2023, tỷ trọng phần mềm trong xe sẽ tăng gấp ba lần. Bosch mong muốn tham gia vào thị trường tăng trưởng này và duy trì vị thế đối tác đáng tin cậy của các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới.
“Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên xe cộ được tích hợp phần mềm,” ông Heyn phát biểu. “Đối với Bosch, đây là một tín hiệu tốt, bởi vì chúng tôi có thể làm cả hai: phần cứng và phần mềm. Chúng tôi là một trong số ít công ty có chuyên môn song song trong cả điện tử ô tô và công nghệ đám mây.” Ví dụ, với các giải pháp phần mềm và dịch vụ như Vehicle Health được Bosch phát triển để giám sát tình trạng kỹ thuật của xe cộ, giải pháp sẽ giúp phát hiện các vấn đề tiềm ẩn và cảnh báo người dùng trước khi chúng dẫn đến hỏng hóc. Đối với các công ty logistics, nền tảng kỹ thuật số Bosch L.OS sẽ hỗ trợ số hóa và đơn giản hóa toàn bộ chuỗi hoạt động logistics của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bosch đã phát triển một phần mềm đặc biệt cho phép xe được phanh lại một cách êm ái, không rung giật . Với chức năng “eBrake to Zero” (Phanh Điện tử) của Bosch, không chỉ việc phanh xe trong tình trạng kẹt xe trở nên dễ chịu và thoải mái hơn, mà nguy cơ say xe cho người ngồi trên xe cũng có thể giảm thiểu. “Chúng tôi có thể đảm bảo trải nghiệm lái xe nhẹ nhàng và êm ái với phần mềm phanh mượt mà như tài xế chuyên nghiệp,” ông Heyn nói.
Xe cộ được tích hợp phần mềm cũng sẽ đi kèm với sự thay đổi về kiến trúc xe phù hợp: hiện tại, có khoảng một trăm bộ điều khiển từ các nhà sản xuất khác nhau hoạt động trong một chiếc xe, khiến thiết kế xe trở nên phức tạp, tốn kém và khó bảo trì, trong tương lai, kiến trúc xe sẽ chuyển từ các bộ điều khiển điện tử riêng biệt từng mảng hệ thống sang kiến trúc điều khiển trung tâm trên nhiều mảng hệ thống, chỉ với một số ít bộ điều khiển và cảm biến có khả năng xử lý mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, đầu năm nay, Bosch và Qualcomm đã cùng nhau giới thiệu một bộ điểu khiển xe mới. Đây là lần đầu tiên bộ điều khiển kết hợp hệ thống thông tin giải trí và các chức năng hỗ trợ người lái. Điều này không chỉ giúp các nhà sản xuất ô tô giảm thiểu không gian lắp đặt, dây cáp và trọng lượng xe, mà quan trọng hơn là giảm chi phí. Chỉ riêng việc hợp nhất hệ thống thông tin giải trí và chức năng hỗ trợ người lái, tiết kiệm chi phí cho các bộ điều khiển lên tới 30%. Nhìn vào kết quả đạt được cho đến hiện tại, với các hệ thống điều khiển điện tử công nghệ hiện đại, Bosch đang vững bước trên con đường đến thành công: trong ba năm qua, công ty đã đạt doanh thu gần 4 tỷ euro.
Tuy nhiên, dù có hàng trăm hay chỉ một vài thiết bị, các bộ máy và các thiết bị trong một chiếc xe đều cần phải được kết nối mạng với nhau để chúng có thể làm việc cùng nhau dù cho chúng đến từ các hãng khác nhau. ETAS, công ty con của Bosch, cung cấp phần mềm trung gian cho phép các máy tính và phần mềm khác nhau trong xe hiểu được ngôn ngữ của nhau và trao đổi thông tin, ngay cả khi chúng được sản xuất bởi các nhà cung cấp khác nhau. Giống như hiện nay hầu hết các phương tiện đều có sự hiện diện linh kiện của Bosch, thì trong tương lai, phần mềm điều khiển xe (với các dòng mã của Bosch) cũng sẽ trở nên thiết yếu.
Thanh Phương