Intel ước tính thu về 18,78 tỷ USD doanh số bán dẫn trong quý III/2021, giảm 3% so với quý trước đó. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ là công ty duy nhất trong số 15 công ty bán dẫn hàng đầu báo cáo doanh số bán hàng tăng trưởng âm.
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), công ty đúc số 1 thế giới, được cho là sẽ giữ vị trí thứ 3 trong kỳ với doanh thu 14,75 tỷ USD, tăng 11% so với quý trước đó.
SK hynix của Hàn Quốc được dự đoán giữ vị trí thứ tư với doanh thu 10,13 tỷ USD trong quý III, tăng 10% so với cùng kỳ một năm trước đó. Tiếp theo là tập đoàn bộ nhớ khổng lồ Micron Technology Inc. của Mỹ với doanh thu được dự báo sẽ tăng 10% theo quý lên 8,46 tỷ USD.
Trong quý thứ ba, IC Insights dự kiến doanh số bán dẫn từ 15 nhà cung cấp hàng đầu sẽ tăng 7% so với quý trước, đạt 111,52 tỷ USD.
“Doanh số bán dẫn được dự báo sẽ duy trì mạnh mẽ đến cuối năm, qua đó thúc đẩy dự báo hiện tại của chúng tôi với mức tăng trưởng 24% trong năm 2021”, IC Insights cho biết.
Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu chất bán dẫn
Vào tháng 5/2021, Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư khổng lồ 451 tỷ USD trong nỗ lực trở thành gã khổng lồ bán dẫn, trong khi Thượng viện Mỹ vào tháng trước đã bỏ phiếu thông qua 52 tỷ USD trợ cấp cho các nhà máy chip, được gọi là “fabs”.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang tìm cách tăng gấp đôi thị phần năng lực sản xuất của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lên 20% vào năm 2030.
Jean-Marc Chery, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Pháp-Ý STMicroelectronics, cho biết các đơn đặt hàng cho năm tới đã vượt xa năng lực sản xuất của công ty ông. Ông nói: “Nhiều người trong ngành thừa nhận rằng tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài tối thiểu sang năm tới”.
Các nhà phân tích cho rằng tình trạng khan hiếm kéo dài này có thể dẫn đến giá cao hơn đối với người tiêu dùng. SEB, một nhà sản xuất thiết bị nhà bếp của Pháp, đã cảnh báo rằng họ đang bị buộc phải tăng giá các sản phẩm của mình.
Bất luận tình hình cấp bách hiện nay, những thay đổi trong chính sách bán dẫn phải được thực hiện một cách thận trọng. Chuỗi cung ứng chất bán dẫn trị giá 500 tỷ USD là một trong những chuỗi cung ứng phức tạp nhất thế giới. Việc sản xuất một con chip thường đòi hỏi hơn 1.000 bước và vượt qua nhiều biên giới quốc tế trước khi đến tay khách hàng cuối cùng. Các chính sách ảnh hưởng đến ngay cả một công ty hoặc quy trình có thể gây ra những ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.
Ngày nay, Mỹ vẫn thống trị lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vi xử lý nhưng nước này thiếu các công ty trong một số phân ngành chính, đặc biệt là các công cụ quang khắc (dạng thiết bị sản xuất bán dẫn phức tạp và đắt tiền nhất) và các nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất (đặc biệt là các xưởng đúc, sản xuất chip cho bên thứ ba). Đài Loan hiện chiếm ưu thế trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến nhất trong khi Hàn Quốc cũng sản xuất một lượng đáng kể vật liệu và một số thiết bị sản xuất.
Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong cả thiết kế và sản xuất chất bán dẫn, với sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài việc đầu tư mạnh mẽ vào năng lực sản xuất và chế tạo, Mỹ phải đẩy nhanh đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn tiên tiến để thúc đẩy thế hệ đổi mới tiếp theo và duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong công nghệ quan trọng này.
Chất bán dẫn là xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số bởi hầu hết các thiết bị điện tử thường sử dụng nhiều chip – không chỉ là bộ xử lý trung tâm mà còn là những chip rẻ hơn để điều khiển màn hình, quản lý điện năng hoặc vận hành modem 5G.
Trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh: “Chất bán dẫn cho phép giao thông vận tải thông minh hơn và an toàn hơn, truy cập băng thông rộng hơn, năng lượng sạch hơn và mạng lưới năng lượng hiệu quả hơn, đồng thời cung cấp việc làm được trả lương cao cho người dân và củng cố cơ sở sản xuất tiên tiến”.
Trong khi tình trạng thiếu chip có khả năng vẫn tiếp diễn trong những tháng tới, các kế hoạch về khả năng phục hồi nguồn cung phải được xây dựng, từ nghiên cứu và phát triển đến sản xuất.
Theo NĐT