Thúc đẩy dòng chảy kinh doanh
Số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2022 là gần 35.000 doanh nghiệp, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong quý I từ trước đến nay. Chỉ số này cho thấy doanh nghiệp đang dần phục hồi .
Cùng với đà phục hồi của thị trường, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã có những tác động không nhỏ. Tuy nhiên, ngoài những gói phục hồi kinh tế, một trong những điều doanh nghiệp mong chờ nhất là việc cải thiện môi trường kinh doanh. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Chỉ khi các rào cản được gỡ bỏ thì dòng chảy kinh doanh được xuyên suốt. Mới đây, VCCI đã có báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh cho thấy còn nhiều vấn đề trong việc gỡ bỏ các rào cản đối với kinh doanh.
Ngoài những gói phục hồi kinh tế, một trong những điều doanh nghiệp mong chờ nhất là việc cải thiện môi trường kinh doanh. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)
Hầu hết các bộ đã xây dựng phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản pháp luật hiện hành. Môi trường kinh doanh cũng đã thuận lợi hơn từ những đề xuất cắt giảm này.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, trong những đề xuất cắt giảm của một số Bộ ngành, doanh nghiệp, vẫn nhìn thấy tính hình thức, vẫn còn nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý. Trong khi Chính phủ đang có nhiều chương trình cải cách thể chế mạnh mẽ, mong muốn nâng cấp môi trường kinh doanh của Việt Nam lên nhóm đầu khu vực thì đâu đó vẫn đang có tình trạng văn bản được ban hành tạo ra rào cản, là gánh nặng mới cho doanh nghiệp.
Nguy cơ nhiều rào cản tái lập
Trong hoạt động xây dựng chính sách năm 2021 có lo ngại là dường như đang có xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Điều này thậm chí diễn ra ở một số ngành, nghề vốn từng được đánh giá cao về thành tích cải cách điều kiện kinh doanh. Hiện đang có những đề xuất áp dụng trở lại các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không phù hợp vốn đã được xóa bỏ hay thay đổi trước đây.
Quy mô tối thiểu, công suất tối thiểu… những quy định chứa đựng điều kiện kinh doanh đã được Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo bãi bỏ. Đây chính là động lực để các doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhiều hơn, tạo cơ sở để Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhưng những quy định này đang quay trở lại trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 107.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Có nhiều nghị định đã được chứng minh là rất thành công được doanh nghiệp đón nhận và tạo lực đẩy quan trọng cho hoạt động kinh doanh nhưng hiện nay lại đang được đề xuất theo hướng là chặt chẽ khó khăn hơn cho doanh nghiệp nên chúng tôi rất lo ngại và hy vọng đây chỉ là thiểu số”.
Chỉ khi các rào cản được gỡ bỏ thì dòng chảy kinh doanh được xuyên suốt. Ảnh minh họa.
Đề xuất xây dựng Luật Giá cũng nâng cao hơn điều kiện về nhân sự người đại diện theo pháp luật phải được cấp thẻ thẩm định về giá trong tất cả các lĩnh vực tài sản; yêu cầu số lượng tối thiểu về số lượng thẩm định viên về giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá trong từng lĩnh vực hoạt động. Đây cũng là một điều kiện kinh doanh.
“Cải cách đã khó nhưng giữ gìn thành quả cải cách cũng không dễ dàng, việc tiếp tục giữ tốc độ và chất lượng cải cách sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn”, bà Virginia Foote – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho hay.
Gỡ bỏ rào cản kinh doanh không hề dễ dàng nếu chỉ nhìn nhận các điều kiện kinh doanh là công cụ để quản lý, mà không nhìn thấy đó chính là rào cản phát triển – nhất là trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đã bị bào mòn sức lực do đại dịch thời gian qua
Khung pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo
Mỗi một rào cản được gỡ bỏ là thêm một cơ hội cho doanh nghiệp. Đồng thời nếu muốn phát triển cần khuyến khích các mô hình mới, cách thức kinh doanh sản xuất mới. Muốn như vậy thì khung pháp lý phải được xây dựng phù hợp, bắt kịp với sự phát triển
Biến doanh nghiệp của mình thành kỳ lân thứ 2 của người Việt – doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá tỷ đô, Nguyễn Thành Trung đã lọt top 10 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới tiền mã hóa crypto trong năm vừa qua. Nhưng anh vẫn luôn đau đáu vì dù do người Việt Nam thành lập, vận hành nhưng phải lựa chọn đăng ký kinh doanh tại Singapore.
Việc khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh mới, cách thức kinh doanh mới vẫn vấp phải khó khăn về khung pháp lý. Nhiều năm tranh cãi khung pháp lý cho xe công nghệ thì mới đây nhất dự thảo của Luật đường bộ quy cả taxi và xe công nghệ vào một loại hình.
TS. Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho hay: “Thể chế để thu hút đổi mới sáng tạo của Việt Nam là không đủ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện ý tưởng kinh doanh mới, ngành nghề mới họ gặp nhiều rào cản”.
Cải cách là không ngừng nhưng khi chúng ta cải cách thì các quốc gia khác cũng liên tục cải cách. Vì thế, không chỉ phải tốt hơn với chính mình cần có những cải cách theo kịp sự phát triển nhất là những xu hướng phát triển mới.
Năm 2020, thu hút đầu tư khởi nghiệp chỉ dừng ở mức gần 320 triệu USD. Tuy nhiên chỉ năm sau, con số này đã gấp hơn 4 lần ở mức 1,3 tỷ USD. Cơ hội, tiềm năng đang nằm trong tay nhưng nắm bắt được không thì phụ thuộc vào khung pháp luật cho đổi mới sáng tạo.