Hiện giá FIT điện gió trên bờ là 8,5 cent một kWh, ngoài khơi là 9,8 cent một kWh với dự án vận hành trước 1/11/2018. Theo đề xuất của Bộ Công Thương, giá mua bán điện gió đối với dự án đưa vào vận hành từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2022 lần lượt là 7,02 và 8,42 cent mỗi kWh cho điện gió trên bờ và cho điện gió ngoài khơi hoặc gần bờ. Đối với dự án vận hành trong năm 2023 có giá tương ứng lần lượt là 6,81 và 8,21 cent mỗi kWh.
Amcham cho biết, các dự án điện gió trên đất liền thường cần khoảng 2 năm để phát triển dự án, trước khi đi đến quyết định đầu tư tài chính. Việc chỉ còn 14 tháng nữa là giá FIT hết hạn sẽ tạo ra những thách thức với các dự án mới vì phải hoàn thành đúng hạn nhằm hưởng giá ưu đãi.
Hiệp Hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham) cũng có chung ý kiến và cho biết, hiện có 91 dự án điện gió được phê duyệt vào tháng 7/2020 sẽ được đưa vào Tổng sơ đồ điện 7 và vẫn đang chờ Bộ Công Thương cấp giấy phép.
“Do đó, các nhà đầu tư không sẵn sàng cam kết cho các dự án mới có ngày vận hành thương mại từ năm 2022 trở đi mà không có xác nhận về việc gia hạn giá FIT”, Amcham nêu rõ.
Phía Amcham cũng cho rằng, Việt Nam cần có chính sách giá FIT mới vì hai nguyên nhân. Thứ nhất là chi phí sản xuất năng lượng quy đổi giảm chậm. Tốc độ giảm chi phí trong 2 năm vừa qua đã chậm hơn do thiếu hiệu ứng quy mô cũng như vấn đề tuabin trên toàn cầu bị tắc nghẽn. Thứ hai là chi phí phát triển dự án đang tăng do chi phí lao động và đất đai cao.
Hai tổ chức này kiến nghị, Việt Nam nên gia hạn 6 tháng cho biểu giá FIT hiện tại đối với năng lượng điện gió trên đất liền. Và gia hạn tối thiểu 2 năm đối với mức giá FIT cho dự án điện gió ngoài khơi đến cuối năm 2023.
Ngoài ra, với giá FIT cho năng lượng mặt trời, Britcham cũng cho rằng, việc kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá ưu đãi từ 30/6/2020 đến 30/12/2020 vẫn chưa đủ. “FIT nên có thời hạn áp dụng lâu hơn để cho phép doanh nghiệp phát triển thực hiện các dự án năng lượng mặt trời, đặc biệt là năng lượng mặt trời mái nhà”, tổ chức này cho hay và kiến nghị Việt Nam công bố áp dụng FIT mới cho năng lượng mặt trời đúng hạn và có thời hạn áp dụng lâu hơn. Hiện giá FIT cho dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent một kWh, dự án điện mặt trời nổi là 7,69 cent và điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent một kWh.
Với điện khí LNG, Phòng thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) lưu ý, để phát triển mảng năng lượng LNG, Việt Nam cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng chế độ chính sách phù hợp.
Cơ sở hạ tầng cấp bách được JCCI nhắc đến bao gồm kho tiếp nhận và thiết bị chứa LNG nhập khẩu, đường ống dẫn khí đến nơi sử dụng máy phát điện…
“Chúng tôi mong chính phủ sẽ nhanh chóng xúc tiến hoàn thiện cơ sở hạ tầng này dựa trên Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp khí, ban hành năm 2017”, JCCI cho biết. Tổ chức này cũng lưu ý việc đảm bảo khả năng vay vốn của ngân hàng và phương thức đối tác công tư (PPP) khi phát triển các dự án điện bằng LNG.
JCCI kiến nghị Chính phủ Việt Nam lưu tâm đến tính ổn định chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài dễ lập kế hoạch trung và dài hạn. Đơn cử về chính sách giá FIT phù hợp; hoàn thiện hợp đồng mua điện; rút ngắn thời gian và đơn giản hoá thủ tục khi bổ sung dự án vào quy hoạch tổng thể phát triển điện lực; nới lỏng quy định về sử dụng nguồn điện ngoài lưới điện…
Đồng tình với quan điểm của JCCI, Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ (Incham) bổ sung một số vấn đề khác gây khó cho doanh nghiệp đầu tư LNG như chi phí đầu tư cao; khó làm việc với các doanh nghiệp nhà nước do cách thức hoạt động của và nguồn thông tin hạn chế nên khó thẩm định doanh nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam không có đủ nguồn khí trong nước và phải nhập khẩu nhiên liệu để vận hành các nhà máy điện LNG, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí.
Theo đó, Incham cho rằng, Việt Nam nên xây dựng nguồn dự trữ LNG dồi dào và tránh dựa trên mô hình phát điện phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu nhập khẩu. Các chính sách tốt hơn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập các cơ sở lưu trữ LNG tại Việt Nam và quốc gia này sẽ được hưởng lợi khi có nguồn nhiên liệu dồi dào để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai.
Ngoài ra, tổ chức như Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cũng đề xuất Việt Nam cân nhắc việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vốn đã bị ngưng lại trước đây trong quy hoạch trung và dài hạn.
Incham cũng có chung quan điểm khi cho rằng Việt Nam cần xem xét chặt chẽ về hiệu quả sử dụng công nghệ hạt nhân cho các mục đích dân dụng bằng cách tạo ra năng lượng xanh với chi phí cực kỳ thấp mà không phương án phát điện nào có thể cung cấp được. Điện hạt nhân cũng có thể được coi là một động thái chiến lược của quốc gia nhằm duy trì an ninh đầu tư với sức mạnh sản xuất điện trong khu vực, tổ chức này nhấn mạnh.
Theo VNE