Báo lãi hàng nghìn tỉ đồng
Tại ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) năm 2022, ông Hồ Vân Long, Phó Tổng Giám đốc VIB cho biết, lãi quý I/2022 của VIB ước đạt 2.200 tỉ đồng, tăng trưởng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm.
Trong 5 năm tới, VIB kỳ vọng mỗi năm có thể ghi nhận ít nhất mỗi tháng 1.000 tỉ lợi nhuận.
Trong kế hoạch kinh doanh 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỉ đồng, tăng 31,1% so với 2021; tài sản 402.500 tỉ đồng, tăng 30% so với năm trước; tổng dư nợ tín dụng 265.600 tỉ đồng, tăng 30% tùy vào sự phân bổ của NHNN; huy động vốn 280.600 tỉ đồng, tăng 30%; tỉ lệ nợ xấu dưới 3%.
Lợi nhuận sau trích lập các quỹ của VIB hiện là 5.908 tỉ đồng, ĐHCĐ thường niên 2022 đã thông qua kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng gần 35%.
Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) cho biết, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của Ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỉ đồng.
Trong 5 năm tới, MB phấn đấu đạt doanh thu 120.000 tỉ đồng (tương đương tăng 24%/năm) và lợi nhuận 45.000 tỉ đồng (tương đương tăng 21%/năm) vào năm 2026.
Lãnh đạo MB cho biết NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15%.
Trong năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm trước, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 25%.
Theo ước tính SSI Research, lợi nhuận trước thuế của MB năm 2022 sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết, tháng 1.2022 đã cho thấy những con số tích cực trong hoạt động của Ngân hàng. Cụ thể, CASA tăng 2.350 tỉ đồng so với cuối 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 577 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo MSB, thương vụ chuyển nhượng FCCOM sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỉ đồng. Vì thế, Ngân hàng này dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt 6.800 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 30%.
Triển vọng ngành ngân hàng
Đánh giá về triển vọng lợi nhuận nhóm ngân hàng, theo các chuyên gia của Công ty chứng khoán Yuanta, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 phần lớn sẽ phục thuộc vào khả năng thu hồi lại những khoản nợ vay tái cơ cấu.
“Tỉ lệ nợ xấu (NPL) công bố có thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hạn vào ngày 30.6. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng – đặc biệt là các ngân hàng có tỉ lệ dự phòng rủi ro thấp – sẽ phải tăng thêm dự phòng, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận”, báo cáo nhấn mạnh.
Đối với lãi dự thu, theo Yuanta, một số ngân hàng có tỉ lệ lãi dự thu/tổng tài sản tương đối cao, điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Điều này cũng đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Các ngân hàng buộc sẽ phải ghi giảm doanh thu nếu khoản lãi không được thu trong cùng kỳ kế toán, hoặc sẽ phải ghi tăng chi phí nếu điều này xảy ra ở một kỳ kế toán khác.
Các chuyên gia của SSI Research ước tính, năm 2022 tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng là 21% so với năm 2021, cao hơn mức tăng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI, chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance) hoặc thoái vốn công ty con…
Nhưng trong đó, các ngân hàng quốc doanh ước tính tăng trưởng lợi nhuận 2022 ở mức 19%, trong khi các ngân tư nhân có thể đạt mức tăng trưởng tới 22% so với năm 2021 do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn.
Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho biết, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm 2022 cho thấy, dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.
Các nhà phân tích của BSC cho rằng, nhu cầu tín dụng năm nay sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%, nhờ kinh tế tiếp tục hồi phục. Ngoài ra, gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng.
Theo Laodong.vn