Nợ cũ chịu lãi vay cao: Doanh nghiệp than trời, ngân hàng đổ tại thủ tục

18/03/2024 12:57 Chiều

Lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 20 năm qua, song lãi vay với các khoản vay cũ vẫn duy trì ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đề nghị giảm nhanh lãi vay với nợ cũ

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, lãi suất đối với các khoản vay cũ hiện vẫn còn cao. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay, bản thân ông vẫn đang phải chịu lãi suất cao với các khoản vay cũ trước đây.

“Lãi suất huy động đã giảm mạnh, tại sao các khoản vay cũ vẫn neo lãi suất cao như vậy? Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp “rắn” để các ngân hàng hàng thương mại hạ lãi vay các khoản nợ cũ của doanh nghiệp”, ông Thân đề nghị.

Mặc dù việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào lãi suất cho vay của các ngân hàng là không đúng, song kiến nghị mà doanh nghiệp đưa ra cũng cho thấy, các doanh nghiệp hiện đang rất bức xúc với lãi suất cho vay của các ngân hàng với các khoản vay cũ.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho hay, lãi suất cho vay của Việt Nam đang cao hơn nhiều các đối thủ cạnh tranh, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

“Hiện nay, lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu. Riêng Banglades hiện nay lãi suất khoảng 8%, nhưng họ lại lạm phát trên 10%, nên xét về lãi suất thực dương thì Việt Nam đang là nước có lãi suất thực dương lớn nhất trong các nước xuất khẩu dệt may”, ông Trường cho biết.

Theo Tập đoàn Dệt may, năm 2023, tổng dư nợ vay của Vinatex giảm 11% song chi phí trả lãi ngân hàng của tập đoàn lại tăng tới 10% so với năm 2022 và tăng 30% so với năm 2021. Gánh nặng nợ vay tiếp tục đè nặng sang năm 2024 khi chưa nhìn thấy khả năng chi phí lãi phải trả sẽ thấp đi so với năm 2023.

Lãi vay nợ cũ còn cao do thủ tục?

Từ năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần đề nghị các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất các khoản vay cũ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định lãi suất điều hành. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank lý giải, lãi suất cho vay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Lãi suất huy động thời gian qua đã giảm rất nhiều, song còn một yếu tố nữa ảnh hưởng đến chi phí vốn là thủ tục, chi phí liên quan, điều này khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm nhanh.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (big 4) và các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn với lãi suất cao (10-12%/năm trong năm 2022) đến nay vẫn chậm giảm lãi suất. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giảm lãi suất nhanh hơn. Điều này dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp vay vốn để “đảo nợ”.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, thực tế đang diễn ra hiện nay là giữa các ngân hàng thương mại đang cạnh tranh rất quyết liệt, giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ ngân hàng khác. Vì vậy, khả năng doanh nghiệp đang chuyển dịch từ vay ngân hàng này sang ngân hàng khác, hoặc đảo nợ cũ thành nợ mới có lãi suất thấp hơn. Điều này cũng lý giải cho việc, mặc dầu doanh số cho vay tăng nhưng dư nợ vẫn giảm.

“Hiện nay, đã có những doanh nghiệp đang được vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động và không loại trừ có doanh nghiệp đang vay ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác”, ông Phạm Đức Ấn nêu lên thực tế.

Nguồn: doanhnghiephoinhap

Cùng chuyên mục

Sức mua hàng Tết bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc

19/01/2022 08:34 Chiều

Để đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngành công thương và các DN Hà Nội đã chủ động kết nối cung cầu, dự trữ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Hoàn Mỹ 2024 hướng đến xuất sắc lâm sàng tại Việt Nam

03/12/2024 04:35 Sáng

Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Hoàn Mỹ lần thứ 8 do Viện Đào tạo và Nghiên cứu Hoàn Mỹ, thành viên Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ tổ chức với chủ đề “Lâm sàng xuất sắc: Trái tim của chuyển đổi y tế” vừa diễn ra tại Thành phố Cần Thơ.

Nâng cao năng lực để tận dụng cơ hội

26/03/2024 08:05 Chiều

Thực phẩm, đồ uống, gỗ, giấy là những ngành liên kết mạnh mẽ nhất giữa doanh nghiệp trong nước và FDI khi tận dụng cơ hội phục hồi của các sản phẩm thiết yếu sau Covid 19.

Hoàn thành lắp đặt turbine, nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu sẵn sàng về đích

29/09/2021 07:17 Sáng

Ngày 28/9/2021, dự án Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 (công suất lắp máy 40,5 MW) chính thức hoàn thành lắp đặt toàn bộ turbine, các công đoạn khác của dự án đang được gấp rút thực hiện, sẵn sàng đưa nhà máy vận hành, phát điện trước ngày 31/10/2021.

Tháo gỡ khó khăn, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước

17/06/2024 08:51 Sáng

Sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN.

Đối tác