Nông nghiệp không thể mạnh nếu chất lượng nguồn nhân lực thấp

05/08/2023 03:03 Sáng

Mặc dù đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện nay tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Đơn cử, nhóm ngành nông, lâm thủy sản ở Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại rất thấp, lần lượt ở mức 7,4% và 2,21%.

Đây là thực trạng được nêu lên tại Hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 4/8, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nói về đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khởi nghiệp nông nghiệp không nên làm theo phong trào mà cần phải làm thật, tạo ra hiệu quả và giá trị thật. Trong đó sự hợp tác giữa trường với doanh nghiệp là cơ hội để chia sẻ giá trị, nhân giá trị lên nhiều lần và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cũng phải theo chuỗi giá trị, không chỉ để làm thuê cho doanh nghiệp mà còn phải tạo ra những người làm chủ.

Nông nghiệp không thể mạnh nếu chất lượng nguồn nhân lực thấp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp phải theo chuỗi giá trị, không chỉ đào tạo người làm thuê cho doanh nghiệp mà còn phải tạo ra những người làm chủ.

Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, ba công nghệ nền tảng chủ đạo gồm tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực phải bắt kịp với xu thế phát triển của ngành công nghệ để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất, quản lý và tiêu dùng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, hiện nay doanh nghiệp rất cần lực lượng lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp đang ngày càng số hoá, áp dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy, các trường cao đẳng, đại học, viện… cần phải gia tăng đào tào những ngành nghề này, nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

“Ví dụ ngành hàng lúa gạo cần phải có sự phát triển bền vững, tức là sản xuất phải gắn với thị trường, nông dân và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau. Đây chính là vấn đề cốt lõi mà ngành lúa gạo Việt Nam phải thực hiện cho bằng được. Vì thế việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Bình nêu ý kiến.

Thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực nông nghiệp
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT cho biết, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong Vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL đã đạt được những kết quả quan trọng.

Theo ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong Vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL đã đạt được những kết quả quan trọng. Đơn cử, nếu năm 2011, vùng ĐBSCL có 13 cơ sở giáo dục đại học thì đến năm 2020 đã tăng lên 21 cơ sở với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên; Vùng Đông Nam Bộ có quy mô đào tạo hơn 516.000 sinh viên chiếm tỷ lệ 30,2% và đứng thứ hai cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức như lao động nông lâm thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Cụ thể lao động trong nhóm ngành này của Vùng Đông Nam Bộ giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778.000 năm 2020, mỗi năm giảm trung bình 46.700 người/năm (tốc độ giảm bình quân 3,75% mỗi năm). Nguyên nhân là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các địa phương khác.

Ngoài ra, chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ chiếm tỷ lệ thấp, chiếm 7,4% đối với Vùng Đông Nam Bộ và 2,21% đối với ĐBSCL. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 2 vùng này vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.

Nông nghiệp không thể mạnh nếu chất lượng nguồn nhân lực thấp
Toàn cảnh Hội ghị.

Cùng với đó, nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.

Đáng chú ý, trong đào tạo đã chứng kiến sự suy giảm ở các ngành nông nghiệp truyền thống như ngành khoa học đất, khuyến nông, chăn nuôi, nông học, khoa học cây trồng, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo, lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng…

Từ thực trạng đó, mục tiêu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam là đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ NN&PTNT sẽ sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ NN&PTNT theo mô hình Nhật Bản…

Nguồn: laodongthudo

Cùng chuyên mục

Không để thiếu hàng, sốt giá thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

21/01/2022 02:31 Chiều

Bộ NN&PTNT vừa có Chỉ thị về việc tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng trong dịp Tết.

KBank tăng vốn thêm 2,5 lần, đạt hơn 6.500 tỷ đồng trong năm 2023

05/05/2023 03:39 Chiều

Ngày 04/05/2023, Ngân hàng Kasikorn (KBank) chi nhánh TP.HCM, đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 2,5 lần, từ 80 triệu USD lên 285 triệu USD (hơn 6.500 tỷ đồng).

Hết năm 2023 ghi nhận mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng

11/01/2024 03:07 Chiều

Trong năm 2023, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng ròng đến 1,69 triệu tỉ đồng, mức tăng đáng kể hơn so với giai đoạn trước đó, khi mỗi năm tăng khoảng 1 triệu tỉ đồng.

Năm 2022, GDP đạt từ 6,7 – 6,9%

16/07/2022 11:32 Chiều

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1, và 6,9% trong kịch bản 2.

Bất động sản và câu chuyện tài sản thế chấp ngân hàng

21/04/2022 09:23 Chiều

Trước mắt các ngân hàng vẫn phải sử dụng bất động sản làm tài sản đảm bảo nợ vay, nhưng cần phải sát sao kiểm tra tài sản để tránh những tranh chấp không đáng có... Theo một lãnh đạo ngân hàng, trong hoạt động tín dụng, tài sản đảm bảo nợ vay rất đa dạng, có thể dùng BĐS, nhà xưởng, doanh số bán hàng…

Đối tác