Phấn đấu năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế

14/11/2022 06:48 Chiều

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một góc của Sài Gòn hoa lệ về đêm.

Một góc của Sài Gòn hoa lệ về đêm.

Một trong những mục đích của Chương trình là cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 06-NQ/TW bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết.

Tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt trên 50% vào năm 2030

Chương trình đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9 – 2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2030 khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc trung ương đạt bình quân 25 – 30% vào năm 2025, 35 – 40% vào năm 2030; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 – 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.

5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai 05 nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau: 1- Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; 2- Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; 3- Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; 4- Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; 5-  Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững, Chương trình yêu cầu phải tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý kiến trúc. Cụ thể, đến năm 2025, phải hoàn thành rà soát, phủ kín quy hoạch chung tại các đô thị hiện có và đô thị mới; các đô thị vừa và lớn đều có quy chế quản lý kiến trúc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến năm 2030, tối thiểu phủ kín quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm, khu vực dự kiến phát triển và khu vực dự kiến thành lập mới đơn vị hành chính đô thị (quận, phường)…

Đầu tư 100 đô thị tiêu biểu, có khả năng chống chịu, giảm phát thải

Về nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chương trình đưa ra nhiệm vụ tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, dự án đang thực hiện về nâng cấp, phát triển đô thị; nghiên cứu xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành các Chương trình về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và đầu tư phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị ở cấp quốc gia, tỉnh và từng đô thị nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TW đối với tỉnh, từng đô thị để thống nhất rà soát, lập chương trình phát triển đô thị để thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm ít nhất 100 đô thị tiêu biểu, có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị.

Theo baodansinh.vn

Cùng chuyên mục

Hội Nghị Thượng Đỉnh Đổi Mới Sáng Tạo Việt Nam 2024 – Thực Phẩm và Hướng Đi Bền Vững

21/10/2024 10:11 Chiều

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn cho toàn nhân loại, và hệ thống thực phẩm toàn cầu đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến này. Từ khâu sản xuất đến bàn ăn, mỗi giai đoạn đều tiềm ẩn nguy cơ phát thải khí nhà kính, đòi hỏi sự chung tay của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng để hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn lúng túng khi tiếp cận nguồn tín dụng

28/07/2022 05:40 Sáng

Thực tế về tiếp cận tài chính cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống còn thấp, khoảng 25%.

Pega ra mắt xe máy điện eSmart AI sở hữu bộ não thông minh đầu tiên trên thế giới

27/04/2024 08:23 Sáng

Xe điện Pega eSmart AI có màn hình cảm ứng thông minh, có thể kết nối internet. Xe còn có tính năng trợ lý ảo đa tác dụng, có thể tương tác với người lái xe như một người bạn, nhắc nhở sạc pin xe, định vị xe, cảnh báo thời tiết xấu, nhắn tin và gọi điện trực tiếp trên xe bằng giọng nói, không cần dùng điện thoại.

Tháng đầu năm 2022, hơn 13.000 doanh nghiệp được thành lập

08/02/2022 07:01 Chiều

Trong tháng 1/2022, cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192.300 tỷ đồng, tăng lần lượt 30% và 24% so với cùng kỳ.

Đầu năm 2024, doanh nghiệp lạc quan với cơ hội kinh doanh

08/01/2024 09:08 Chiều

Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023. Kết quả cho thấy, có 31,7% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2023.

Đối tác