Phát triển văn hóa trong tổ chức Đảng – thực tiễn tại Vietcombank Chi nhánh Nam Sài Gòn

08/11/2023 03:11 Chiều

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”.

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hoá soi đường cho mỗi con người sống, làm việc và chiến đấu. Mỗi dân tộc đều có nền văn hoá đặc thù. Nước Việt Nam, với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, cũng luôn mang trong mình những giá trị văn hoá riêng có. Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, các giá trị văn hoá càng cần phải được gìn giữ, phát huy trong mỗi doanh nghiệp, tổ chức và trong từng cá nhân. Từ đó, mỗi hành vi, hoạt động trong từng lĩnh vực đều được định hướng đúng đắn. Ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Nam Sài Gòn nói riêng đã và đang xây dựng những giá trị văn hoá riêng và được xem là chuẩn mực để toàn thể cán bộ nhân viên thực hiện trong quá trình sống, lao động và học tập.

  1. VĂN HOÁ TRONG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Mục tiêu lãnh đạo của Đảng ta bao gồm nhiều lĩnh vực: mục tiêu chính trị là đánh đổ bọn tay sai, đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc; mục tiêu kinh tế là mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mục tiêu văn hoá là xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó cũng là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Đảng ta đã rất coi trọng vai trò của văn hóa ngay từ những ngày đầu lãnh đạo cách mạng, với sự ra đời của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, trong đó chỉ rõ: kinh tế, chính trị, văn hóa là ba mặt trận mà Đảng phải hoạt động. Sức mạnh điều tiết của văn hoá thể hiện ở các phạm vi đạo đức, ứng xử xã hội, cộng đồng, ở trong bản thân mỗi người. Văn hoá còn giúp điều chỉnh, hài hoà các quan hệ lớn, tạo nên sự cân đối, hài hoà, đồng bộ giữa các tập thể, tổ chức, giữa các quốc gia, dân tộc.

Giá trị văn hoá trong Đảng thể hiện ở một số nội dung như Bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn, thử thách; Xác định đúng đường lối chính trị để lãnh đạo đất nước phát triển bền vững; Hướng đến chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đặt lợi ích của giai cấp, dân tộc lên trên hết; Tuân thủ các nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng về vấn đề Văn hoá là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, với nguồn lực nội sinh, quan trọng nhất là nguồn lực con người. Các khía cạnh trọng yếu về văn hoá đã và đang được chú trọng là:

  • Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mĩ. Mỗi người cần phải có lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào và trân trọng lịch sử văn hoá nước nhà. Mỗi người cần rèn luyện trau dồi trình độ, kiến thức tổng quan và kiến thức chuyên ngành, không ngừng học tập để nâng cao trí tuệ bản thân. Ngoài ra, mỗi công dân Việt Nam cần có đạo đức, tuân thủ pháp luật, rèn luyện nhân cách, sống có trách nhiệm và vì cộng đồng, rèn luyện sức khoẻ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đấu tranh chống lại tiêu cực trên mọi lĩnh vực.
  • Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: được biểu hiện cụ thể là văn hoá trong công tác Đảng, văn hoá trong lãnh đạo, cầm quyền, quản trị. Các hoạt động chính trị phải dựa trên nguyên tắc tập trung, dân chủ, chống chủ nghĩa cá nhân, quanliêu, tham nhũng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa: Đảng lãnh đạo văn hoá thông qua các văn kiện, chủ trương, chính sách. Các cơ quan quản lý cần luôn quan tâm đến sự phát triển không ngừng của các vấn đề mới đang diễn ra trên lĩnh vực văn hoá, điều tiết để văn hoá mới phải dựa trên nền tảng mục tiêu ban đầu, không đi ngược và chống lại định hướng phát triển của Đảng. Mặt khác, cũng cần ngăn chặn sự mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo văn hoá.
  1. PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ TRONG TỔ CHỨC ĐẢNG HIỆN NAY

Hệ thống văn bản pháp lý quản lý của nhà nước về văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương trong xây dựng, phát động các phong trào văn hóa để xây dựng môi trường văn hóa lạnh mạnh.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn triển khai đều đặn tại các địa phương như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Người tốt, việc tốt”, phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, “Làng văn hóa”, Khu phố văn hóa”… Tất cả đã và đang phát huy truyền thống đạo lý dân tộc, đi vào đời sống, tạo môi trường lành mạnh cho mỗi con người, gia đình và xã hội.

Trong quá trình phát triển, lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã có không ít những trường hợp tiêu cực xảy ra ở một bộ phận cán bộ, Đảng viên. Việc phát hiện các biểu hiện xấu đang diễn ra là một điều không dễ dàng. Đó là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Cụ thể, hiện nay đã có một số tình trạng tiêu cực là:

  • Lợi ích nhóm: tình trạng này diễn ra ở hầu hết mọi lĩnh vực ngành nghề. Nó làm vô hiệu hoá những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cản trở tính minh bạch của sự việc, làm lệch những định hướng, tăng sự phân hoá trong tập thể. Rộng lớn hơn, nó làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ Xã hội chủ nghĩa. Một ví dụ điển hình về Lợi ích nhóm là nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19 diễn ra vào năm 2021. Các đối tượng là những người giữ vị trí đứng đầu trong các cơ quan, ban ngành. Họ lợi dụng tình hình dịch bệnh để thông đồng, cấu kết nâng giá kít xét nghiệm, nhằm trục lợi cho bản thân. Điều này đã gây bức xúc lớn trong cộng đồng, giảm sút nghiêm trọng niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các cán bộ Đảng viên, những người lãnh đạo các tổ chức, ban ngành.
  • Tiêu cực trong công tác cán bộ: biểu hiện thường thấy là “chạy chức, chạy quyền”, đề bạt thăng tiến không tương xứng với năng lực, phẩm chất, lợi dụng mối quan hệ cá nhân để đề bạt mà bỏ qua các trình tự, thủ tục. Hiện nay, tình trạng bổ nhiệm tràn lan, thần tốc diễn ra ngày càng tinh vi ở nhiều địa phương, hay thực trạng cán bộ sắp về hưu bổ nhiệm một loạt người có quan hệ họ hàng, cá nhân riêng…
  • Tham nhũng: tình trạng này xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều giai đoạn, tồn tại ở nhiều chế độ chính trị. Từ những tham nhũng “vặt” như nhận phong bì ở các cơ quan công quyền (cơ quan thuế, giáo dục, y tế, hải quan…), đến những vụ tham nhũng có tổ chức lớn, quy mô lớn, gây thất thoát ngân sách với số tiền khổng lồ. Tham nhũng tạo ra tiền lệ, thói quen xấu ở cán bộ, gây khó khăn trong thu hút đầu tư, gây lãng phí tiền bạc của nhân dân và tổn hại đến kinh tế đất nước.

Để ngăn chặn tiêu cực về văn hóa trong đội ngũ cán bộ Đảng viên, bên cạnh việc phổ biến, quán triệt các quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, chế độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, cần chú trọng:

  • Thường xuyên giáo dục trau dổi lý tưởng, mục tiêu cách mạng cho đội ngũ cán bộ Đảng viên, kể cả Đảng viên lâu năm và Đảng viên mới. Thông qua các lớp ngắn hạn hay dài hạn, tập trung hay không tập trung, bằng nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn cho từng đối tượng, từng lứa tuổi, mỗi phương pháp khác nhau sẽ mang lại hiệu quả riêng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Mính, chủ nghĩa yêu nước, niềm tự hào dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
  • Cán bộ Đảng viên Luôn luôn thực hành văn hóa Đảng, luôn tự phê bình và phê bình, đề cao tính tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, lợi dụng sơ hở để trục lợi. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng Tự phê bình và phê bình là khâu mấu chốt nhưng rất nhiều khó khăn. Thực tế rất dễ xảy ra tình trạng lấy lòng nhau, phê bình nhưng nêu ưu điểm rất nhiều, khuyết điểm rất ít, qua loa, chiếu lệ, ngại va chạm, nể nang nhau. Hoặc có những trường hợp phê bình nhưng không mang tính xây dựng mà là lợi dụng để hạ bệ, bôi nhọ lẫn nhau, chia rẽ bè phái, gây mất đoàn kết, và ngược lại có trường hợp khen quá mức, chưa hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn được đánh giá hoàn thành tốt. Noài ra, việc tự phê bình và phê bình phải đi kèm với khen thưởng xứng đáng và kỉ luật nghiêm minh, phải có tình yêu thương của đồng chí, đồng đội, để xây dựng Đảng tốt đep hơn.
  • Xây dựng văn hóa trong Đảng phải gắn liền với việc xây dựng văn hóa dân tộc. Dựa trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước truyền thống, tình đoàn kết dân tộc, “lá lành đùm lá rách”. Theo lời Bác Hồ dặn trong di chúc, chúng ta phải giữ gìn đoàn kết trong Đảng như “giữ gìn con ngươi trong mắt mình”. Mỗi Đảng viên, nhất là những người đứng đầu trong tổ chức Đảng, cần luôn là tấm gương sáng về đạo đức, hành vi, lối sống, suy nghĩ và hành động để dẫn dắt tập thể đi đúng mục tiêu, con đường của Đảng đề ra.
  1. THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM – CHI NHÁNH NAM SÀI GÒN

Với bề dày truyền thống 30 năm phát triển, dựa trên nên tảng bản sắc văn hóa Vietcombank bao gồm: Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵn sàng đổi mới – Bền vững – Nhân văn, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Nam Sài Gòn (Vietcombank Nam Sài Gòn), đã gặt hái rất nhiều thành công và tạo nên bản sắc văn hóa riêng.

Về Hoạt động kinh doanh: Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi nhiều biến động bất thường như xung đột, cấm vận ở một số nước, lạm phát, dịch bệnh…, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Đảng ủy Vietcombank Nam Sài Gòn đã chung sức, đồng lòng vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, với phương châm hành động: “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững”.  Huy động vốn và tín dụng phát triển đều đặn. Chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro luôn được quan tâm chặt chẽ, chú trọng tăng cường công tác xử lý và thu hồi nợ. Hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu và kinh doanh ngoại tệ luôn đạt kết quả tốt. Nhiều năm liền chi nhánh được khen tặng danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Trong thời đại chuyển đổi số và thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Ban chấp hành Đảng bộ và toàn thể nhân viên luôn sẵn sàng học tập nâng cao chuyên môn, đổi mới phương thức kinh doanh, lấy khách hàng làm trung tâm để luôn là chi nhánh top đầu trong hệ thống.

Đảng bộ Vietcombank Nam Sài Gòn rất coi trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động

Về công tác xây dựng Đảng: Đảng bộ Vietcombank Nam Sài Gòn rất coi trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng: lãnh đạo các cấp luôn nắm bắt mọi diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người lao động; định kỳ phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và quan tâm giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho đảng viên và nhân viên trong chi nhánh; tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và văn hoá VCB bằng nhiều hình thức phong phú đã tạo ra sức mạnh tổng hợp góp phần xây dựng thành công thương hiệu ngân hàng thương mại hàng đầu luôn hoạt động an toàn, hiệu quả có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước; đồng thời đào tạo nên đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động có đủ đức, đủ tài, tâm huyết với công việc, vững vàng về tư tưởng chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Do vậy, trong thời gian qua, Đảng bộ không có đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, thực dụng, cơ hội, hám danh, vụ lợi, tham nhũng, bè phái hoặc mắc các tệ nạn xã hội; không để mâu thuẫn nảy sinh, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý những hành vi, vi phạm, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi hoạt động của Chi nhánh.

Về phát triển nguồn nhân lực: Chi nhánh luôn chú trọng đến công tác cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng sàng lọc từ khâu tuyển dụng; tăng cường đào tạo cả về chất lượng và quy mô, số lượng các khóa đào tạo được tăng dần theo các năm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Vietcombank; có cơ chế đãi ngộ phù hợp, chú trọng công tác bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển,…Nhờ vậy, Chi nhánh đã có một nguồn nhân lực chất lượng cao, đầy đủ năng lực đáp ứng với yêu cầu của hoạt động kinh doanh. Hiện nay, nhân sự của Chi nhánh có gần 300 lao động với độ tuổi trung bình của cán bộ khá trẻ, bình quân là 33,4 tuổi; trong đó trên 91% có bằng đại học và trên đại học, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao.

Về hoạt động Công đoàn và phong trào đoàn thể: Tổ chức Công đoàn tại chi nhánh luôn chăm lo quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ nhân viên như: tặng quà cho cán bộ nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; tặng quà tri ân cho tứ thân phụ mẫu nhân ngày Người cao tuổi 1/10; tổ chức ngày hội và tặng quà cho con em của cán bộ nhân dịp Trung thu, Quốc tế thiếu nhi; khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên hàng năm… Hoạt động của Đoàn thanh niên, phong trào đoàn thể trong những năm qua đều diễn ra rất sôi nổi, tạo ấn tượng mạnh không chỉ trong nội bộ chi nhánh mà còn trên toàn hệ thống Vietcombank. Hội thao nhân dịp ngày thành lập Chi nhánh diễn ra hằng năm vừa là cơ hội để các cán bộ thể hiện tài năng, vừa là sân chơi để mọi người giao lưu, học hỏi, đoàn kết, tăng cường tình đồng nghiệp, bạn bè. Hội diễn văn nghệ truyền thống, hội thi Văn hóa Vietcombank trong hệ thống vừa là nơi các tài năng được trình diễn, vừa là nơi lan tỏa các giá trị nhân văn về tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, đồng nghiệp. Bằng việc sân khấu hóa với nhiều hình thức khác nhau, các loại hình nghệ thuật đã và sẽ luôn mang đến thông điệp mạnh mẽ về bản sắc văn hóa Vietcombank nói chung và chi nhánh Nam Sài Gòn nói riêng: giữ gìn chữ Tín và Lành nghề; tôn trọng nguyên tắc và ứng xử chuẩn mực; hướng đến cái mới, hiện đại và văn minh; Vì lợi ích lâu dài; Trọng đức, gần gũi và biết thông cảm, sẻ chia. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Chi nhánh, Ban lãnh đạo, Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như Hội thao, văn nghệ, viết bài, sáng tác, và đặc biệt là cuộc thi kiến thức Rung chuông vàng. Cán bộ, đoàn viên, thanh niên của chi nhánh đã có thêm thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm nghiệp vụ và bề dày giá trị văn hóa của Chi nhánh, để từ đó thực hành vào công việc và cuộc sống một cách tự nguyên, tự nhiên, đồng thời lan tỏa giá trị này đến cộng đồng và khách hàng.

Tổ chức Công đoàn tại Vietcombank Nam Sài Gòn luôn chăm lo quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ nhân viên

KẾT LUẬN

Xây dựng, phát triển văn hóa trong cộng đồng và trong Đảng không chỉ mang ý nghĩa về phương diện văn hóa mà còn có ý nghĩa quan trọng về chính trị và xã hội. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mãi mãi là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân để đất nước Việt Nam trường tồn. Văn hóa là nền tảng của thương hiệu, ảnh hưởng sâu sắc đến sự sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, toàn thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên Vietcombank Nam Sài Gòn luôn chú trọng phát huy giá trị văn hóa, để tạo động lực và sức mạnh cho sự phát triển bền vững.

­­Tác giả:  Nguyễn Hà Mỹ Thủy –  Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh Nam Sài Gòn – Phòng giao dịch Quận 4

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hà Đăng, Về vấn đề “Văn hóa Đảng và xây dựng văn hóa trong Đảng”. Tham luận tại Tọa đàm “Vững bước dưới cờ Đang quang vinh”.
  2. Bùi Hoài Sơn, 2022. “Những thành tựu nổi bật về lý luận trên lĩnh vực văn hoá giai đoạn 2016-2021”. Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. https://quochoi.vn
  3. Trịnh Thị Hạnh, 2023. “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa ở Việt Nam hiện nay: những vấn đề đặt ra”. Tạp chí văn hóa nghệ thuật số 524, tháng 2-2023.
  4. Tạp chí Quốc phòng toàn dân: http://tapchiqptd.vn
  5. Tạp chí Cộng sản: https://www.tapchicongsan.org.vn
  6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
  7. Website https://portal.vietcombank.com.vn và các tư liệu của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Ssay Huỳnh và H’Hen Niê, Dustin Phúc Nguyễn: Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường qua âm nhạc

17/08/2024 02:42 Chiều

Nhạc sĩ Ssay Huỳnh và hoa hậu H'Hen Niê cùng Dustin Phúc Nguyễn đã chính thức ra mắt dự án âm nhạc môi trường và công chiếu MV "Save Her Earth – Save Your Life”. MV này mang màu sắc phim ảnh, viễn tưởng với kỹ xảo điện ảnh đỉnh cao, nhằm lan tỏa thông điệp thức tỉnh cùng nhau để tìm lại sự cân bằng cho hành tinh.

Liên hoan Múa TP HCM lần VII: Đến gần hơn với công chúng

28/10/2022 10:55 Chiều

Tối 27/10, Liiên hoan Nghệ thuật Múa TP HCM mở rộng lần VII năm 2022 đã tổ chức buổi tổng kết và trao giải cho 21 tác phẩm xuất sắc, cùng nhiều giải thưởng cá nhân.

Phiên chợ đồ cũ, đồ tái chế “Hành động xanh” lan tỏa tình yêu và trách nhiệm với môi trường

04/06/2023 06:35 Sáng

Sáng ngày 3-6-2023, đông đảo phụ huynh, trẻ em, thanh niên,… tham dự Phiên chợ đồ cũ, đồ tái chế “Hành động xanh” tại Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh.

10 năm Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ

21/03/2021 09:14 Sáng

Kỷ niệm 10 năm Di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, tại tỉnh Thanh Hóa sẽ diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa.

“Soi” tính cách khác biệt của cặp song sinh Lisa – Leon

23/11/2021 09:14 Chiều

Càng lớn, cặp song sinh càng khác nhau hoàn toàn về tính cách. Lisa dịu dàng, còn Leon lém lỉnh, trở thành cặp nhóc tỳ được người hâm mộ dành sự yêu mến đặc biệt.  

Đối tác